TGĐ VPF – Ông Phạm Ngọc Viễn:
“Chưa phải lúc các ông bầu rời VPF”

Mấy ngày nay, TGĐ VPF Phạm Ngọc Viễn bận rộn chuẩn bị cho giải về đích an toàn, trong đó công tác an ninh, phòng chống tiêu cực cho 5 vòng cuối mùa được ưu tiên nhất. Ông Viễn có cuộc trao đổi với phóng viên.

* Mùa nào cũng vậy, cứ đến cuối mùa chuyện xin – cho điểm diễn ra không ít. Ông và các cộng sự đã có sự chuẩn bị ra sao đối phó vấn nạn không mới ấy?

– Bóng đá ta lâu nay, bóng đá tình cảm lấn át thứ bóng đá lý trí. Trong quá khứ từng có không ít những vụ cho – xin điểm từ lộ liễu cho đến kín đáo. Có nhiều vụ án mà cựu trưởng giải Ngô Tử Hà hay anh Trần Duy Ly từng thụ án và xử lý trong quá khứ. Còn bây giờ văn hóa xin – cho đã tinh vi hơn, không dễ xử lý như trước. Trong tư cách điều hành – quản lý, chúng tôi thắt chặt việc quản lý trước và sau trận đấu. Có lẽ sự chuẩn bị của các trọng tài (TT) quan trọng nhất. Nếu họ thổi tốt, mọi chuyện sẽ ổn thỏa, tránh sự cố đáng tiếc.

– Như 5 vòng cuối, số TT tốt nhất sẽ làm việc liên tục. Có những trận đấu sống còn giải hạng Nhất, BTC giải cũng điều động các TT từ V.League xuống thổi để đảm bảo minh bạch.

– Điều quan trọng nhất khi VPF ra đời, các ông bầu bắt tay nhau làm bóng đá sạch thay vì móc ngoặc, quan hệ như xưa. Chưa kể lực lượng an ninh C45 vào cuộc và theo sát diễn biến 5 vòng cuối.

* Trong quá khứ BTC giải từng xử án mà không cần bằng chứng. Vừa rồi có 2 cầu thủ ĐT.LA tố có người gọi điện thoại mua độ, sao BTC giải chưa xử lý mạnh tay khi có bằng chứng?

– Sau khi sự việc trên được đưa lên báo chí, lực lượng an ninh C45 đã vào cuộc điều tra. Kết luận từ cơ quan an ninh đưa ra là cuộc điện thoại chưa có bằng chứng cụ thể để bắt giữ đối tượng gọi điện cho 2 cầu thủ ĐT.LA. Một phần nào đó chúng tôi hoan nghênh sự hợp tác cầu thủ đội ĐT.LA, nhưng việc xử phạt cần bằng chứng, nhất việc luôn quan việc mua độ – bán độ. Đây là vấn đề nhạy cảm và phải dựa trên luật mà làm chứ chúng tôi không thể đưa ra việc xét xử khi chưa có thêm chứng cứ từ bên cơ quan an ninh gửi sang được.

* Năm nay cuộc đua trụ hạng rất căng thẳng khi có đến 8 CLB nằm khu vực nguy hiểm, chuyện phòng – chống tiêu cực càng khó khăn hơn trước?

– Người ta thường nói bóng đá sân khấu 4 mặt. Nhìn thái độ cầu thủ, lối đá có thể hiểu đội bóng đá thật hay thả. Việc nói phòng chống tiêu cựu ở ta vẫn còn khó khăn và chủ yếu bắt nguồn sự tự giác từ chính các ông bầu. Bởi thế, VPF ra đời cũng là việc nâng cao ý thức chính trong giới ''bầu'' bóng đá.

– Dù chưa phải lúc nào sự tin tưởng từ dư luận với VPF cũng ở mức cao nhưng 21 vòng đấu đi qua, mọi thứ vẫn trong vòng kiểm soát. Điều đó có nghĩa tiêu cực được giảm bớt chứ chưa phải hết hoàn toàn.
BTC giải cố gắng hết sức và luôn yêu cầu các ông bầu tôn trọng cuộc chơi. Còn ở phía sau lực lượng C45 sẽ vào cuộc và chúng tôi chờ đợi những thông tin từ họ.

* Cảm giác của ông ra sao về lượt mở màn đầu tiên V.League và hạng Nhất sau một tháng nghỉ ngơi?

– Đây là vòng đấu nóng bỏng khi cuộc chiến trụ hạng hay vô địch đều đến hồi quyết liệt. Máu thắng thua giữa các đội sẽ đẩy cao hơn hẳn các lượt đấu trước. Chúng tôi chuẩn bị khá kỹ cho mọi tình huống nhưng cũng bất ngờ sự sòng phẳng trong các trận đấu. Vòng 21 diễn ra chất lượng cao và không có một tình huống sai sót lớn diễn ra. Một vòng đấu mở đầu giai đoạn nước rút khích lệ cho BTC giải, lực lượng TT, trước 5 vòng cuối đầy cân não.

* Còn công tác chuẩn bị các TT đã được chuẩn bị ra sao?

– Trận đấu bù vòng 14 V.League giữa SLNA-SHB.ĐN, lực lượng TT đã được BTC giải cấp hệ thống bộ đàm. Nhờ bộ đàm, khả năng liên kết TT chính và các TT biên đã được thực hiện tốt hơn, tránh trống đành xuôi, kèn thổi ngược.

– Ngoài khả năng trao đổi, bộ đàm ghi âm toàn bộ cuộc nói chuyện của TT với cầu thủ. Nếu có cá nhân nào cố tình xúc phạm TT sẽ bị ghi lại đầy đủ và khó tránh khỏi án phạt nặng. Nhờ bộ đàm, lực lượng TT sẽ được bảo vệ và chính họ tự tin hơn. Vòng 21 vừa qua, các TT đều làm tốt công tác điều khiển trận đấu mà không có sự cố lớn. Hy vọng các TT sẽ giữ được kết quả trên ở những lượt đấu tiếp theo.

* Ông có đồng ý quan điểm của Phó chủ tịch VFF Lê Hùng Dũng cho rằng các ông bầu nên rút khỏi VPF?

– Tôi không đồng ý quan điểm trên của anh Lê Hùng Dũng, bởi đây là giải đoạn dầu sôi, lửa bỏng khi mùa giải còn 5 vòng nữa kết thúc. Công việc các ông bầu giúp đội bóng hoàn thành chỉ tiêu, chúng tôi cũng lo công tác chuẩn bị cho các trận đấu.

– Việc đưa phát ngôn không đúng thời điểm như thế là bàn lùi, gây bất lợi cho cuộc cải tổ của VPF. Nhìn kỹ cuộc cách mạng bóng đá VN còn ở giai đoạn trứng nước, các ông bầu rút lui là chuyện ''đem con bỏ chợ''. Còn muốn đề nghị, ý kiến gì thì cuối mùa giải hãy phát biểu thì hợp lý hơn thay vì bối cảnh như hiện tại.

* Dường như ông tin rằng việc các ông bầu ở lại VPF thêm một thời gian nữa là đúng đắn?

– Có 2 lý do việc các ông bầu ở lại VPF thêm một khoảng thời gian nữa. Thứ nhất, các ông bầu tham dự VPF đều vì cái chung chứ không phải tìm lợi ích cho đội bóng của mình.

– Thực chất mọi công tác quán xuyến, điều hành do tôi hoặc trưởng giải V.League – Trần Duy Ly và trưởng giải hạng Nhất – Nguyễn Hữu Bàng chịu trách nhiệm. Thế nên không thể nói các ông bầu ''vừa đá bóng, vừa thổi còi hoàn toàn'', mà họ chỉ có ý nghĩa đóng góp, xây dựng cho giải đấu mà thôi.

– Thứ hai, đúng về lâu về dài việc các ông bầu đứng chân ở VPF không phải là hợp lý. Nhưng thời điểm giải chuyên nghiệp mới chuyển giao nửa năm, mọi thứ vẫn còn ở giai đoạn quá độ. Nếu các ông bầu bỏ ngang như thế dẫn đến nhiều hệ lụy khiến mọi thứ phải làm lại từ đầu.

– Đến khi mọi thứ ổn thỏa, quy củ, các ông bầu cũng tự rút lui, bởi họ còn lo việc làm ăn, kinh doanh chứ không thể lo mãi cho VPF được. Họ làm việc đến lúc này vì trách nhiệm và mong muốn bóng đá VN có sự thay đổi tốt hơn. (Bản thân các ông bầu đã từng nói ra suy nghĩ này trong buổi gặp gỡ báo chí định kỳ trước đó)

* Bản thân ông lý giải ra sao trước thông tin ông chỉ đưa 7 thành viên sang Nhật Bản học hỏi mô hình J-League, trong khi thông báo trước đó có 43 người?

– Rõ ràng người đưa ra có ý đồ không tốt muốn đổ vấy trách nhiệm cho tôi. Nếu tôi làm sai, làm ẩu tôi chịu trách nhiệm. Nhưng sự việc lần này có sự góp mặt nhiều người và hiểu rõ việc này.

– Tôi xin nói rõ là quyết định này từ chính lãnh đạo của VPF, khi cử 7 người sang Nhật làm tiền trạm để nghiên cứu cách tổ chức giải chuyên nghiệp Nhật Bản. Rồi sau đó, mới cử thêm lãnh đạo, giám đốc, quản lý các CLB sang Nhật để học hỏi thêm. Chính lý do ấy, VPF mới lên danh sách 7 người đầu tiên gửi cho phía nhà tài trợ ở Nhật. Phía đối tác hoan nghênh và chúng tôi có cuộc trao đổi thành công, tốt đẹp với phía bạn. Ngày 17/7 vừa rồi, đại diện nhà tài trợ gặp tôi và bất ngờ thông tin mà một số mạng thông tin đã đưa ra, bởi đôi bên không có khúc mắc gì, thậm chí mọi trao đổi được thống nhất hoàn toàn rồi chúng tôi mới đưa người sang Nhật Bản.

– Nhưng qua thông tin trên mới thấy người cố tình đưa thông tin trên có tư tưởng không tốt, muốn phá hoại hoạt động của tôi lẫn VPF. Song chúng tôi vẫn tự tin con đường đang đi và sự thành công tất yếu của VPF sau khi tổ chức này ra đời quản lý các giải chuyên nghiệp của nước nhà.

* Xin cảm ơn ông về cuộc trao đổi!