Vòng 4 LS V.League 1-2021:
Những cuộc đối đầu nảy lửa

Sự trở lại của V.League đã đem lại niềm cảm hứng lớn lao không chỉ cho những người hâm mộ bóng đá mà cả các lĩnh vực khác của xã hội. Giải đấu năm nay đang diễn ra với những diễn biến thật sự khó lường, dù mới qua 3 vòng đầu tiên. Khi ngay cả các nhà ĐKVĐ Viettel lẫn Á quân Hà Nội cùng đang tạm đứng ngoài tốp 6 thì chuyện gì cũng có thể xảy ra. Vì thế, vòng 4 sẽ tiếp tục hứa hẹn nhiều hấp dẫn...

Hai trận đầu tiên diễn ra trong ngày T5 (18/3).

Tại sân Vinh, Sông Lam Nghệ An (mới có vỏn vẹn 1 điểm) sẽ hướng tới một “mục tiêu kép” trong trận gặp Than Quảng Ninh (6đ): Giành 3 điểm để đòi lại “món nợ” ở mùa trước, đồng thời tự “cứu” mình. Nhưng những số liệu thống kê dường như không ủng hộ đội chủ nhà khi trong cả 3 lần đối mặt vào các năm 2019, 2018 và 2017 (năm 2020 chỉ gặp nhau tại sân Cẩm Phả) tại sân Vinh, kết quả đều là hòa. Tính riêng trong 4 mùa giải gần nhất, SLNA không thắng nổi 1 lần nào trong 7 lần gặp gỡ (thua 2, hòa 5). Phong độ không tốt từ đầu mùa của đội bóng xứ Nghệ có lẽ càng khiến các fan của họ không khỏi bồn chồn: Liệu lần này có khác, khi phía bên kia, Than Quảng Ninh tỏ ra vẫn rất vững vàng trước khó khăn (vừa thắng thuyết phục TPHCM ở vòng trước)? Một trận đấu được cho là “kẻ tám lạng, người nửa cân”, tổ chức theo hình thức hạn chế với khoảng 2000 khán giả được vào sân.

Tại sân Hàng Đẫy, đương kim Á quân Hà Nội (3đ) – sau khi vừa có được thắng lợi đầu tiên (trước Hải Phòng) – chắc chắn sẽ đặt mục tiêu giành 3 điểm khi tiếp Đông Á Thanh Hóa (4đ). Cần nhắc lại rằng thể thức thi đấu phân nhóm sau 1 lượt khiến mọi đội bóng đều phải dốc sức ngay từ đầu, nhất là các ứng viên vô địch như Hà Nội nếu không muốn phải đứng ngoài “cuộc chơi” của tốp 6. Vị trí tạm thời thứ 3 từ dưới lên rõ ràng là không tương xứng với những gì người ta trông đợi ở đội bóng đang sở hữu nhiều tuyển thủ quốc gia nhất. Bởi thế, không có gì để nghi ngờ vào quyết tâm của HLV Chu Đình Nghiêm cùng các học trò, dù đây sẽ là trận đấu mà ông đối đầu với đội bóng quê hương. Ở phía bên kia, HLV Petrovic cùng các học trò đã làm nức lòng khán giả khi thắng Nam Định tới 3-0 ở vòng 3, nhưng trận đấu ấy đã diễn ra cách đây hơn 1 tháng rưỡi. Liệu quãng nghỉ dịch vừa qua có ảnh hưởng gì tới phong độ và sự vận hành của đội hay không? Quá gay cấn, hấp dẫn và khó đoán định kết quả! Sân Hàng Đẫy giới hạn 2000 khán giả được phép vào sân.

3 trận tiếp theo diễn ra vào ngày T6 (19/3).

Đầu tiên là “derby miền Trung” giữa tân binh Topenland Bình Định (4đ) và đội đang dẫn đầu bảng SHB.ĐN (9đ, đội duy nhất toàn thắng tới lúc này). Mặc dù mới trở lại, nhưng đội bóng đất Võ đã thể hiện tham vọng lớn lao, với cả một lộ trình dài hơi. Trong tận thua sát nút HA.GL ở vòng trước, các học trò của HLV Nguyễn Đức Thắng đã cho thấy mình là tập thể gắn kết rất đáng gờm, cộng thêm việc sẽ trở lại sân nhà Quy Nhơn – “điểm cộng” để họ bù đắp thiếu hụt kinh nghiệm trong trận này so với SHB.ĐN, thì đây chắc chắn sẽ là trận đấu vô cùng nảy lửa và cân bằng. Trận đấu được tổ chức theo hình thức hạn chế 50% khán giả, thông tin từ BTC trận đấu cho biết sẽ phát hành khoảng 7000 vé mời dành tặng cho các khán giả.

Sân Thiên Trường, điểm tựa tinh thần lớn nhất của Nam Định sẽ tiếp tục là nơi để thầy trò HLV Nguyễn Văn Sỹ trông đợi sẽ có thêm điểm số sau 2 trận liên tiếp trắng tay (cùng trên sân đối phương). Tại “chảo lửa” này, họ từng chơi rất hay và hạ đương kim Á quân Hà Nội tới 3 bàn không gỡ ở vòng đầu tiên. Vậy khi đối đầu với các nhà ĐKVĐ Viettel thì sao? Chiến thắng trước B.Bình Dương ở vòng trước cho thấy các nhà vô địch dường như đã tìm lại mình, với mối lối chơi khá toàn diện. Với sự trở lại của “thủ lĩnh hàng thủ” Quế Ngọc Hải, thực lực của Viettel rõ ràng là vượt trội, nên nếu trận đấu kết thúc với kết quả hòa cũng có thể xem là thành công với đội chủ nhà. Đây cũng là trận đấu duy nhất tổ chức theo hình thức bình thường đón khán giả.

Trận “derby” thứ 2 ở vòng này trên sân Thống Nhất giữa TPHCM (3đ) và Sài Gòn (6đ), một cuộc so tài có ý nghĩa hơn cả 1 trận đấu bình thường. Cả hai cùng đang có sự đầu tư mạnh mẽ, nhưng nếu như Sài Gòn vẫn cho thấy sự ổn định thì TPHCM khiến người ta không khỏi ngờ vực vào tính hiệu quả của những khoản đầu tư vào các “ngôi sao” (trong đó có Lee Nguyễn). Nếu chỉ xét về thực lực thì đôi bên khá ngang ngửa nếu không nói là hơi nghiêng về TPHCM, nhưng phong độ và yếu tố “kỵ jeu” lại là điều khiến người ta nghĩ khác. Một cuộc đấu trí thú vị giữa 2 HLV ngoại Polking và Masahiro (người mới tiếp quản lại vị trí của HLV Vũ Tiến Thành ở SG.FC)! Trận đấu được tổ chức theo hình thức hạn chế 50% khán giả, BTC trận đấu phát hành 7000 vé bán cho khán giả và 500 vé cho Hội Cổ động viên.

2 trận còn lại cùng diễn ra vào ngày T7 (20/3).

Tại sân Gò Đậu, 2 đội từng cùng thắng 2 vòng đầu tiên rồi cùng thua ở vòng 3 gặp nhau. Dù có cùng 6 điểm, nhưng với lợi thế sân nhà, Becamex Bình Dương đương nhiên được đánh giá cao hơn hẳn so với Hải Phòng. Trong đó, “vũ khí lợi hại” nhất của đội chủ nhà có lẽ là khả năng cầm quân, đọc trận của HLV Phan Thanh Hùng, một người được cho là khéo “liệu cơm gắp mắm”. Trận đấu được tổ chức theo hình thức hạn chế với số lượng 6000 khán giả được vào sân.

Trong khi ấy ở SVĐ Hà Tĩnh, đội chủ nhà (đã thua cả 3 trận đầu tiên, chưa được điểm nào) tuy bị đánh giá thấp hơn so với Hoàng Anh Gia Lai, nhưng nếu thầy trò HLV Phạm Minh Đức tìm lại được sự chắc chắn trong lối chơi (như họ từng thể hiện ở mùa giải trước), thì đây vẫn sẽ là một trận cầu khó dành cho đội bóng phố núi. Trận đấu được tổ chức theo hình thức hạn chế với số lượng không quá 5000 khán giả được vào sân.