Ngót thập kỷ trước, Bình Định từng là một tên tuổi đáng nể tại đấu trường V.League, trong đó có điểm nhấn: 2 lần liên tiếp giành Cúp QG vào các năm 2003 và 2004 (các mùa giải mà HA.GL là nhà vô địch V.League) và hạng 3 V.League 2006. Thật thú vị khi mùa bóng cuối cùng mà Bình Định có “giải” (2006) cũng chính là năm Hà Nội FC khởi đầu lịch sử của mình (từ giải hạng Ba với tên gọi T&T Hà Nội). Nói cách khác, trên một chừng mực nào đó thì cái tên Bình Định vốn thuộc diện “cựu trào” của bóng đá Việt Nam, còn Hà Nội “trẻ trung” hơn rất nhiều.
Nhưng đấy là câu chuyện của quá khứ, còn sau đó, khi Bình Định dần sa sút rồi phải xuống hạng (thậm chí cuộc khủng hoảng trầm trọng đã khiến họ rơi xuống hạng Ba – trở lại với đáy của hệ thống bóng đá quốc gia) thì cũng là khi Hà Nội FC vươn mình trở thành một thế lực mới, một “đại gia” thu hút mọi sự chú ý trong suốt hơn 1 thập kỷ qua. Nói cách khác, Hà Nội giờ đây đã được xem như một ông lớn của bóng đá nước nhà đương đại, còn Topenland Bình Định lui về vị thế của một đội bóng “ngựa ô” và… mới nổi. Với điểm tựa tài chính vững vàng từ đối tác tài trợ, Topenland Bình Định chính là hiện tượng đáng chú ý nhất trong mùa chuyển nhượng khi chi tới gần 100 tỷ đồng để “làm mới” mình với 14 cái tên mới, trong đó có rất nhiều ngôi sao của BĐVN nói chung và đội tuyển quốc gia nói riêng như Đặng Văn Lâm (thủ môn), Trần Đình Trọng, Hồ Tấn Tài (hậu vệ), Nghiêm Xuân Tú (tiền vệ), Mạc Hồng Quân, Hà Đức Chinh (tiền đạo)… cộng thêm những cầu thủ rất chất lượng thuộc “hàng tuyển” khác như Adriano Schmidt, Đỗ Thanh Thịnh (hậu vệ), Lý Công Hoàng Anh, Đỗ Văn Thuận (tiền vệ)… Đặc biệt, bộ đôi tiền đạo được ví như “vũ khí hạng nặng” Rafaelson – Jemmie Lynch đã đem lại sức sống mới cho hàng tấn công. Với lực lượng hùng hậu như thế, nhiều người cho rằng tấm HCĐ V.League chưa chắn đã khiến người hâm mộ đất Võ thật sự hài lòng.
Nhưng đừng quên rằng đây mới là mùa đầu tiên, dàn “sao” mới của Topenland Bình Định chơi cạnh nhau. Dưới sự dẫn dắt của HLV Nguyễn Đức Thắng, họ đã khởi đầu mùa giải không thật thuận lợi (thua Viettel ngay ở sân nhà), nhưng càng đá, người ta càng thấy T.BĐ lợi hại hơn, với sự ổn định của hàng phòng ngự cũng như khả năng tạo đột biến trên hàng tấn công. Chiến thắng đậm đà tới 3-0 trước Hà Nội FC ngay tại sân Hàng Đẫy ở đấu trường V.League 1 mùa này là một minh chứng cho thấy, thực lực của T.BĐ đáng gờm đến thế nào, và họ sẽ chẳng việc gì phải ngần ngại khi đối đầu với đội bóng số 1 của V.League trong hơn 1 thập kỷ qua!
Như đã đề cập, T.BĐ từng thắng Hà Nội ngay tại sân Hàng Đẫy chính là điểm tựa tinh thần để các học trò của HLV Nguyễn Đức Thắng tin tưởng vào khả năng có thể một lần nữa đánh bại đối thủ trong trận chung kết Cúp QG BAF Meat 2022, dù họ sẽ phải thêm 1 lần làm khách.
Ngược lại, Hà Nội FC chắc hẳn đã rút được rất nhiều kinh nghiệm từ trận thua duy nhất trên sân nhà ở V.League mùa này. Trong 10 trận sau đó, thầy trò HLV Chun Jae-ho đã chỉ để thua thêm duy nhất 1 trận (trước Hải Phòng tại sân Lạch Tray). Với sự đồng đều ở cả 3 tuyến, sở hữu nhiều cầu thủ chất lượng, Hà Nội sẽ rất khó bị đánh bại một khi họ chơi với quyết tâm và sự tập trung cao nhất. HLV Chun Jae-ho mới đây cũng cho biết ông rất muốn giành chiếc Cúp QG làm “quà chia tay” đội bóng Thủ đô.
Một trận đấu cân bằng, hứa hẹn cực kỳ thú vị và hấp dẫn và để ngỏ mọi khả năng đều có thể xảy ra!