Trong sự ra đời của VPF, bầu Kiên đóng vai trò đặc biệt quan trọng. Nhiều người cho rằng, nếu như không có phát biểu gây rúng động của ông bầu này trong buổi lễ tổng kết mùa giải 2011, VFF đã không xuống nước chấp nhận cho ra đời công ty VPF. Trước khi bị bắt, bầu Kiên chính là người có tiếng nói nhất ở VPF. Nói được, làm được và thậm chí còn làm quyết liệt, làm tới nơi tới chốn, bầu Kiên thực sự là “linh hồn” của VPF ngày mới khai sinh.
Dấu ấn đầu tiên của bầu Kiên, chính là việc ông bầu này đã “chơi tới cùng” trong cuộc chiến bản quyền truyền hình với AVG, trước khi khiến tập đoàn này phải chuyển giao toàn bộ cho VPF và không đòi hỏi một đồng nào. Với nguồn tài chính khổng lồ, bầu Kiên cũng là người đứng sau Hội đồng bảo trợ gồm 10 doanh nghiệp có số vốn trên 1.000 tỷ đồng.
Bầu Kiên cũng là người đã cương quyết xử lý tình trạng “một ông chủ hai đội bóng”, dám chỉ thẳng mặt những trọng tài có biểu hiện tiêu cực và hai trong số đó vĩnh viễn bị loại trừ khỏi đời sống bóng đá. Rồi còn rất nhiều kế hoạch phía trước của VPF gắn liền với mục tiêu tạo sự thay đổi thật sự của bóng đá Việt Nam, nhiều người từng chờ bầu Kiên ra tay, nhưng khi mọi thứ còn dang dở thì ông bầu này đã bị bắt bởi những sai phạm kinh tế.
Nếu như bầu Kiên là người góp phần tạo dựng nên nền móng, tên tuổi của VPF thì chuyên gia người Nhật Bản Kazuyoshi Tanabe lại được kỳ vọng sẽ giúp VPF chuyên nghiệp hơn, từ đó giúp các giải đấu Việt Nam, trong đó quan trọng nhất là V.League sớm trở thành giải đấu hấp dẫn, có thể hái ra tiền.
Chuyên gia người Nhật Bản Kazuyoshi Tanabe được VPF mời sang với tư cách là cố vấn và là người được kỳ vọng rất nhiều về việc sẽ mang nhiều điều mới mẻ cho bóng đá Việt Nam…Tất nhiên, ngay từ ban đầu, chuyên gia này sẽ phải xác định đối mặt rất nhiều thách thức. Ngoài chuyện tư vấn giúp VPF nâng cao hiệu quả trong công tác quản lý, điều hành, thì ông Kazuyoshi Tanabe cũng phải giúp VPF xử lý những tồn tại như công tác trọng tài, tiêu cực, an ninh, công tác đào tạo trẻ…. Dù tài giỏi đến đâu nhưng với môi trường bóng đá Việt Nam, không có quy luật cho sự phát triển nào cả. Chính vì thế, ông Kazuyoshi Tanabe gần như sẽ bắt đầu từ con số không.
“Tôi sẽ dành nhiều thời gian để từng bước tìm hiểu từng CLB ở Việt Nam rồi tiến lên cấp đội trẻ và đội tuyển quốc gia. Từ đó, tôi sẽ đưa ra được lộ trình cũng như phác thảo định hướng. Mục tiêu lớn nhất của tôi là làm sao để kéo người hâm mộ bóng đá Việt Nam trở lại với sân bóng và ủng hộ cho bóng đá”, ông Kazuyoshi Tanabe nói.
“Tôi biết bóng đá Việt Nam đang gặp khó khăn nhưng đó là khi các bạn chưa thể đưa ra được một lộ trình đúng đắn và xuyên suốt. Gần đây, các bạn đang cố gắng làm lại, đó là lý do tôi có mặt ở đây”, chuyên gia người Nhật Bản nói đầy tự tin.
Chắc chắn ông Kazuyoshi Tanabe với mức lương khoảng nửa tỷ mỗi tháng không thể đến Việt Nam để nói suông. Điều đáng ghi nhận là dù còn khá lạ lẫm với bóng đá Việt Nam nhưng ông Tanabe đã sớm bắt tay vào công việc, trong khi VPF cũng thể hiện sự tin tưởng tuyệt đối, bên cạnh những kỳ vọng với một chuyên gia hàng đầu. Bóng đá Nhật Bản trước khi phát triển như hiện tại, cũng từng rất khó khăn. Thậm chí những năm 50 thế kỷ trước, Nhật Bản còn phải sang Việt Nam để học hỏi mô hình phát triển của bóng đá đất nước hình chữ S. Tuy nhiên, sự chuyên nghiệp chính là thứ mà Nhật Bản khiến cả thế giới phải ngưỡng mộ. Chỉ có chuyên nghiệp, bóng đá mới đi đúng đường ray của sự phát triển, có sự bền vững.
Từ bầu Kiên tới chuyên gia Kazuyoshi Tanabe, VPF đều kỳ vọng rất nhiều vào những nhân tố có khả năng đối mặt với nhiều thách thức. Câu trả lời vẫn còn ở phía trước, nhưng rõ ràng VPF đã và đang từng bước muốn đưa bóng đá Việt Nam đi lên, từ những con người dám nói, dám làm và làm được như thế.
Công ty VPF:
"Từ bầu Kiên tới chuyên gia Kazuyoshi Tanabe"
Sau bầu Kiên, đến lượt chuyên gia người Nhật Bản Kazuyoshi Tanabe được VPF đặt kỳ vọng lớn. Việc ông Tanabe sang Việt Nam làm việc với VPF nằm trong các nội dung hợp tác giữa VPF và J.League được ký kết vào ngày 7.8.2012 tại Hà Nội.