* Đã hơn một năm trong cương vị chủ tịch VPF, ông đánh giá bức tranh toàn cảnh của bóng đá nước nhà ra sao?
– Kể từ khi thay thế Liên đoàn bóng đá Việt Nam (VFF) tổ chức và quản lý hai giải chuyên nghiệp quốc gia, VPF đã có những nỗ lực để nâng cao khả năng tổ chức, điều hành giải đấu. VPF dần tách bạch hoạt động với cơ quan quản lý ban đầu là VFF. Tuy nhiên, VPF vẫn phối hợp tốt với VFF và các ban trong bộ máy của VFF để phát huy trí tuệ, sức mạnh tập thể.
Phải nói thẳng thắn rằng hai mùa giải vừa qua là thời điểm khó khăn nhất của bóng đá Việt Nam. VPF cũng gặp không ít thách thức trong những ngày đầu tiên đứng ra quản lý giải chuyên nghiệp. Nhưng mùa giải 2013 đang khởi đầu đầy hứa hẹn, người hâm mộ đang quay lại với sân cỏ nội. Cỗ máy hoạt động bóng đá nội dưới thời VPF quản lý đang dần đồng bộ, chặt chẽ hơn. Còn không ít thách thức, hạn chế nhưng tôi tin từ mùa 2014, bóng đá nội sẽ trở lại quỹ đạo vốn có.
* Đầu mùa, trưởng giải V.League Trần Duy Ly từng lo các sân vắng khán giả. Những tín hiệu đáng mừng từ sân Thanh Hóa, Lạch Tray hay sân Vinh vừa qua có khiến VPF bất ngờ?
– Chúng tôi vẫn không thiếu tự tin, lạc quan rồi các trận đấu sẽ hút khán giả. Khâu quan trọng đầu tiên VPF làm là chuẩn bị kỹ lưỡng nhất để cải thiện hình ảnh giải đấu. Từ tuyên truyền cầu thủ, câu lạc bộ, trọng tài phải tôn trọng, phục vụ khán giả bằng tấm lòng của mình thì mới hút khán giả trở lại sân.
Tôi vốn là doanh nhân nên cái nhìn cũng mang tính hiệu quả. Cầu thủ muốn có tiền, câu lạc bộ muốn có lãi thì tự thân họ phải đầu tư lẫn đá bóng nghiêm túc, vì người xem. Bóng đá lành mạnh, máu lửa ắt khán giả sẽ trở lại. Có khán giả thì các nhà tài trợ mới sẵn sàng đầu tư, tài trợ dù kinh tế có khó khăn đến mấy. Khán giả và nhà tài trợ là hai khách hàng quan trọng mà bóng đá Việt Nam cần phục vụ. Đó là quan hệ bắc cầu, phải làm bóng đá tử tế chúng ta mới có thể tồn tại và phát triển được.
* Tuy nhiên vẫn có những lo lắng về việc giải đấu có thể bị đổ vỡ bất cứ lúc nào, từ việc câu lạc bộ bỏ giải giữa chừng hay phát sinh vấn đề quanh các quyết định của trọng tài?
– Bản thân tôi trong trao đổi với lãnh đạo các câu lạc bộ, đa số các ông bầu đều quyết tâm theo giải đến cùng. Mùa giải năm nay nhiều đội lao đao kinh phí nhưng vẫn cố gắng tham dự giải đấu nên không có hành động và suy nghĩ vô trách nhiệm như thế. Có một số ông bầu bức xúc với quyết định của trọng tài nên có những phát biểu bột phát như thế, chứ họ khẳng định không bao giờ có ý định bỏ giải giữa chừng.
Riêng chuyện trọng tài, chính VPF cũng khuyến khích anh em thổi phạt những hành vi phi thể thao ở trên sân. Dùng nhiều thẻ phạt nhưng không có nghĩa sân cỏ nội bạo lực đâu. Nó chỉ có tác dụng đưa cầu thủ, câu lạc bộ, huấn luyện viên, lãnh đạo đội ở đúng vị trí của mình mà thôi.
* Riêng vụ nghi án bán độ hậu Siêu Cúp quốc gia vẫn chưa có lời giải, dư luận lại lo nó bị đánh chìm xuồng như bao lần khác, khi VPF, VFF cũng chưa cung cấp hồ sơ đầy đủ cho C45?
– Chúng tôi luôn phối hợp và làm hết chức năng, nhiệm vụ để cung cấp thông tin các cơ quan chức năng có kết luận chính thức về việc này. Riêng cá nhân tôi nghĩ cầu thủ cũng có lúc phong độ lên xuống, chứ không phải lúc nào cũng ở trạng thái tốt nhất. Trận thua ở Siêu Cúp quốc gia có cầu thủ Sài Gòn Xuân Thành chơi chưa tốt, nhưng kết luận có cá nhân nào đội bóng dính tiêu cực không phải việc của VPF mà là cơ quan chức năng.
* Riêng cá nhân ông có thời điểm nào thấp thỏm, lo lắng cho công tác tổ chức kể từ khi VPF ra đời và hoạt động?
– Từ lúc VPF ra đời đến nay trải qua rất nhiều giai đoạn thử thách để có được chỗ đứng hiện tại. Có nhiều giai đoạn sóng gió không kể xiết khiến tôi lẫn các đồng sự trong VPF mất ăn mất ngủ. Tôi buồn nhất có giai đoạn giới truyền thông không nhìn vào mặt tích cực của VPF mà chỉ xoáy vào những mặt chưa tốt, làm hình ảnh VPF xấu đi trong mắt các nhà tài trợ.
Đến độ khi VPF đi đến các doanh nghiệp mong họ cùng đóng góp quỹ phát triển bóng đá Việt mà họ sợ đến độ không muốn tiếp chuyện. Hay bốn nhà tài trợ rút lui vừa qua cũng khiến chúng tôi phải suy nghĩ để cân bằng thu chi các hoạt động tổ chức mùa giải 2013 sao cho phù hợp… Dù rơi hoàn cảnh thế nào, tôi lẫn các thành viên VPF vẫn tự tin, lạc quan sẽ thành công trong công việc đã đề ra.
* Mười ba năm gắn bó bóng đá chuyên nghiệp, từ ông bầu ở ĐT.LA đến giờ chủ tịch VPF, ông có những kỷ niệm nào khó quên?
– Tôi còn nhớ năm 1998, tuyển Việt Nam mất chức vô địch Tiger Cup trên sân nhà vì bàn thắng bằng lưng của cầu thủ Singapore. Tan trận, tôi lang thang trên đường phố Hà Nội trong nỗi thất vọng vô hạn như nhiều cổ động viên xung quanh. Từ lúc ấy tôi quyết định bắt tay làm bóng đá bài bản để thay đổi câu chuyện buồn ở sân Hàng Đẫy. Đầu tiên đội U21 của Công ty Đồng Tâm đoạt hạng ba giải U21 quốc gia năm 1999.
Rồi năm 2000, tôi sát nhập đội bóng công ty với đội bóng tỉnh Long An để có ĐT.LA như bây giờ. Bước chân từ doanh nhân vào bóng đá qua kênh xã hội hóa thể thao như thế, tôi trải qua không ít ngọt bùi cùng câu lạc bộ rồi đội tuyển quốc gia. Chức vô địch AFF Cup 2008 cùng đội tuyển Việt Nam là khó quên khiến tôi sướng nhất đến bây giờ. Lá cờ đỏ sao vàng tôi cùng huấn luyện viên Henrique Calisto chạy trên sân Mỹ Đình ăn mừng chức vô địch năm ấy vẫn được treo trang trọng ở nơi tôi làm việc.
* Tại sao ông lại rút lui danh sách ứng viên chủ tịch VFF nhiệm kỳ bảy, khi vị trí mới giúp ông thay đổi bóng đá nước nhà nhiều hơn?
– VPF ra đời là “đứa con” tâm huyết của tôi và nhiều ông bầu khác. Tôi không thể rời bỏ công việc giữa chừng, khi nhiệm vụ ở VPF với bóng đá nước nhà còn nặng nề. Tôi rút lui khỏi danh sách ứng viên chủ tịch VFF vì lý do ấy, chứ không phải vô trách nhiệm. Dù sao tôi ở VPF vẫn là thành viên của VFF và cũng có trách nhiệm chung tay xây dựng bóng đá Việt Nam kia mà.
Tôi có giấc mơ là ngày nào đó V.League sánh ngang với các giải chuyên nghiệp của Nhật Bản, Hàn Quốc. Vì điều đó và vì VPF, tôi sẵn sàng hy sinh nhiều thứ. Bóng đá Việt Nam cần huy động sức mạnh từ toàn xã hội mới thành công
Xin cảm ơn ông về cuộc trao đổi!