+ PV: Thưa ông, ông đánh giá thế nào về vai trò của các ông bầu trong việc phát triển bóng đá?
– Phó Chủ tịch Lê Hùng Dũng: Khi thuận lợi, các ông bầu rất hào phóng, đầu tư vào CLB để nâng chất lượng cầu thủ, tạo nền tảng cho sự phát triển của bóng đá Việt Nam. Việc các ông bầu đầu tư tiền bạc, công sức để đào tạo cầu thủ trẻ, tuyển dụng ngoại binh chất lượng nâng chất cho giải đấu V.League và tính cạnh tranh của giải đấu cũng vì thế mà tăng lên. Các đội tuyển của chúng ta cũng tiến bộ không ngừng khi đối đầu với các đối thủ trong khu vực và châu lục. Thành quả đó ghi nhận đóng góp của V.League và những ông bầu.
+ PV: Khi tạm ngừng bóng đá hoặc thu hẹp mức độ đầu tư cho bóng đá, các ông bầu đã tâm sự gì với ông?
– Họ đau và xót xa lắm. Chúng ta mất vài triệu đồng đã tiếc dứt ruột rồi, đằng này người ta mất hàng trăm tỷ, bao nhiêu tâm huyết còn cả niềm đam mê cả đời nữa. Hiện nay, các ông bầu thực sự gặp khó khăn, hàng ngày phải giải quyết những vấn đề cấp bách. Chúng ta nên ứng xử nhân văn hơn, chứ đừng coi họ như là “kẻ phản bội” hoặc “bỏ chạy”. Chúng ta không nên có quan điểm cực đoan mà phải chia sẻ, cảm thông bởi bản chất họ cũng là những doang nghiệp. Đó không những là trách nhiệm mà còn là đạo đức của chúng ta nữa. Chúng ta nên tôn vinh các ông bầu, biết ơn họ vì những gì họ đã cống hiến cho bóng đá Việt Nam.
+ VFF đã làm gì để chia sẻ khó khăn với các đội bóng trong thời điểm này, thưa ông?
– VFF đã, đang và sẽ tiếp tục tìm mọi cách hỗ trợ CLB để từng bước vượt qua khó khăn. Đấy, như cho phép đội Hà Nội vẫn đá ở hạng Nhất, Hải Phòng nhận chuyển giao từ Khánh Hòa, cũng là cách hỗ trợ thiết thực. Khi các ông bầu tiếp tục đầu tư cho bóng đá, chúng ta rất trân trọng. Trong năm đặc biệt này, chúng ta cần phải có giải pháp đặc biệt cho tình thế đặc biệt. Sau này, khi tổng kết, tùy tình hình, chúng ta sẽ điều chỉnh sao cho phù hợp với hoàn cảnh đó.
+ Ông đánh giá thế nào về đề xuất đưa đội tuyển U22 Việt Nam tham dự V.League 2013?
– Nhiều người nói chúng ta phải đào tạo trẻ, tạo điều kiện cho các cầu thủ trẻ thi đấu, cọ xát để nhanh chóng trưởng thành, tạo đội ngũ kế cận xứng đáng đại diện cho thế hệ cầu thủ Việt Nam. Nhưng sáng kiến đưa đội tuyển U22 tham dự V.League như một cách chuẩn bị tốt nhất cho SEA Games lại vấp phải sự phản đối. Tôi rất tiếc về ý tưởng mới trong thời gian ngắn nên chưa thuyết phục được.
+ Rất nhiều người nói chúng ta chạy theo thành tích nhưng nếu các đội tuyển thi đấu không có thành tích thì bị dư luận chỉ trích ngay, ông nghĩ vì về điều này?
– Đó thật sự là một nghịch lý. Khi thua họ nói chúng ta không có đào tạo trẻ. Mình đưa cầu thủ trẻ đi đá không có thành tích, họ chỉ trích không thương tiếc. Tôi nghĩ chúng ta phải lo cả thành tích trước mắt song song với mục tiêu lâu dài.
+ Thời điểm này ông muốn gửi gắm điều gì đến người hâm mộ cả nước?
– Bóng đá là một cuộc chơi khắc nghiệt, hôm nay thắng thì được tôn vinh, mai thua thì thành tội đồ ngay. Tôi chỉ mong muốn chúng ta hãy nhân văn, đồng cảm một chút với VFF. Chúng tôi cũng như tất cả mọi người đều làm hết sức cho đội tuyển mạnh, tiệm cận với trình độ của các đội bóng khu vực và thế giới. Muốn vậy nhưng thực hiện không dễ nếu không muốn nói là cực kỳ khó khăn và gian nan đòi hỏi cần có quá trình.
– Xin cám ơn ông về cuộc trao đổi!