Phản ứng về công văn trả lời của AVG, Chủ tịch Hội đồng quản trị VPF Võ Quốc Thắng dùng hai từ “thất vọng”. Theo ông Thắng, công văn này cho thấy, AVG không thay đổi quan điểm và buổi làm việc kéo dài ba giờ đồng hồ hôm 21/2 gần như không có tác dụng.
“Nếu hợp đồng giữa VFF và AVG được bảo lưu, các CLB gần như không có tiền thương quyền bởi số tiền thực nhận là không đáng kể. Cứ theo tinh thần của bản hợp đồng 20 năm thì các CLB chỉ nhận được từ vài chục đến hơn một trăm triệu đồng mỗi năm. Đem so với vài chục tỷ đầu tư trong một năm, các ông chủ có thể thu lại gì ? Tiền thương quyền là nguồn thu chủ yếu của bóng đá chuyên nghiệp. Cứ như thế, liệu còn ai dám đầu tư vào bóng đá nữa không ?” – ông Thắng nói.
Theo nội dung công văn chiều 28/2 của AVG trả lời VPF, AVG sẽ không bàn giao thương quyền, không trả tiền thương quyền các giải đấu chuyên nghiệp Việt Nam cho VPF, và chỉ đàm phán về thương quyền nếu VPF đáp ứng các yêu cầu: Được VFF ủy quyền khai thác thương quyền các giải đấu chuyên nghiệp Việt Nam; Bộ Văn hóa Thể thao phê duyệt Quy chế bóng đá chuyên nghiệp sửa đổi, bổ sung. VFF và VPF phải tôn trọng hợp đồng mà VFF đã ký với AVG.
Sau khi xem nội dung công văn này, ông Võ Quốc Thắng nói với báo chí: “Chúng tôi rất thất vọng với câu trả lời của AVG. Buổi làm việc hôm 21/2 được họ ghi hình toàn bộ. Nếu băng hình ấy được phát đến đông đảo công chúng, mọi người chắc sẽ hiểu thêm về việc mà chúng tôi đang làm”.
Sự xa cách giữa hai bên thể hiện trong những diễn biến hai ngày qua khá khác biệt so với tinh thần buổi làm việc cách đây hơn một tuần. Ngày 21/2, đại diện VPF là các ông Võ Quốc Thắng, Nguyễn Đức Kiên và Phạm Ngọc Viễn đến trụ sở AVG để làm việc về bản quyền các giải đấu. Sau ba giờ làm việc, theo đánh giá của VPF, AVG tỏ ra thiện chí, sẵn sàng hợp tác. Đó là thời điểm đôi bên có vẻ tiến gần tới nhau nhất, thậm chí sắp tìm được tiếng nói chung. AVG đồng ý hai nguyên tắc mà VPF đưa ra: Để VTV được truyền hình trực tiếp V-League nhiều nhất. Số tiền mà bóng đá Việt Nam nhận được cao hơn con số 6 tỷ đồng (lũy tiến 10% theo năm).
Chủ tịch HĐQT VPF cho biết, công ty này sẽ tiếp tục khiếu nại để tránh cho bóng đá Việt Nam “một bản hợp đồng tổn hại”. “Chúng tôi sẽ khiếu nại đến cùng theo những nguyên tắc đã định. Năm mười năm nữa, thế hệ con cháu chúng ta nếu thấy bản hợp đồng khủng khiếp này, chắc chắn chúng sẽ phản ứng dữ dội và trách cứ cha anh: Biết mà không phản ứng để thay đổi. Chúng tôi sẽ làm hết sức mình và dù kết quả có thế nào, nỗ lực của chúng tôi vẫn sẽ được ghi nhận”. Ông Thắng chia sẻ.
Theo tiết lộ của một ông bầu nổi tiếng, nhiều ông chủ sẵn sàng bỏ bóng đá ngay từ thời điểm này vì bản hợp đồng 20 năm mà VFF đã ký với AVG. “Các CLB có thể đầu tư thêm đôi ba năm nữa. Nhưng về lâu dài, nếu không thu lợi được, chắc chắn họ sẽ bỏ. Trong quá khứ, đã có nhiều ông chủ tháo chạy khỏi địa hạt bóng đá. Ngân hàng Đông Á, Tôn Hoa Sen, Hàng không Việt Nam và mới đây nhất là Hòa Phát Hà Nội đều bỏ làm bóng đá. Có những ông chủ khi tâm sự đã chia sẻ sẵn sàng bỏ ngay bóng đá nếu bản hợp đồng giữa VFF và AVG là không thể thay đổi”. Ông bầu đề nghị giấu tên tiết lộ.