Bóng đá Nhật Bản có một tầm nhìn rất rõ ràng để định hướng phát triển, từ cấp độ quốc gia đến từng CLB. Với tốc độ phát triển nhanh và bền vững trong hơn 30 năm qua, bóng đá Nhật Bản hiện đang trở thành một trong những hình mẫu lý tưởng mà nhiều quốc gia hướng tới để phát triển môn thể thao này.
Hiện Nhật Bản đang vận hành 3 giải League (J.League 1, J.League 2, J.League 3) và 3 giải Cúp với tổng số 60 CLB chuyên nghiệp. 41/47 tỉnh thành của Nhật Bản đều có CLB bóng đá chuyên nghiệp. LĐBĐ Nhật Bản (JFA) là đơn vị quản lý chung và J.League có trách nhiệm vận hành tổ chức hệ thống các giải chuyên nghiệp. Mỗi hệ thống tỉnh thành của Nhật Bản đều có LĐBĐ địa phương và các CLB chuyên nghiệp sẽ trực thuộc quản lý, liên kết với LĐBĐ tỉnh thành đó.
Chuyến công tác do VPF tổ chức tại Nhật Bản có lịch trình làm việc chính thức với đơn vị tổ chức J.League và 3 CLB nổi tiếng đang thi đấu tại Giải bóng đá VĐQG Nhật Bản (J.League 1), liên tục từ ngày 4 đến ngày 8/12. Đây không chỉ là cơ hội tìm hiểu sâu sắc về cách thức hoạt động và phát triển của bóng đá Nhật Bản, mà còn mở ra các cơ hội hợp tác trong tương lai, cũng như là những trải nghiệm và kiến thức quý báu dành cho các CLB bóng đá chuyên nghiệp Việt Nam.
Qua buổi làm việc với các CLB bóng đá Nhật Bản (CLB Urawa Red Diamonds, CLB Kawasaki Frontale, CLB Gamba Osaka FC), điều có thể nhận thấy rõ ràng nhất chính là định hướng phát triển bền vững của các CLB. Mỗi CLB đều có triết lý phát triển riêng và hoạch định những kế hoạch rất rõ ràng để triển khai vào thực tế. Không chỉ chú trọng đến thành tích trên sân cỏ, các CLB của Nhật Bản còn đầu tư vào các hoạt động xã hội, bảo vệ môi trường. Các dự án cộng đồng của CLB đã thực sự gây ấn tượng mạnh với Đoàn công tác. Việc phát triển bóng đá không chỉ dừng lại ở việc đào tạo cầu thủ mà còn bao gồm trách nhiệm xã hội đối với cộng đồng. Khi bóng đá ngày càng có vai trò quan trọng trong xã hội, việc nâng cao ý thức cộng đồng cũng trở thành một mục tiêu thiết yếu. Đây có thể xem là điều mà các CLB bóng đá chuyên nghiệp Việt Nam cần học hỏi và lan tỏa, kết nối mạnh mẽ hơn những giá trị thể thao bóng đá đến với cộng đồng.
Bên cạnh việc chia sẻ các kinh nghiệm về bộ máy tổ chức, cách thức vận hành của CLB Nhật Bản, Đoàn công tác của Việt Nam còn được lắng nghe các chia sẻ liên quan đến nguồn thu, quản lý tài chính, phát triển thương hiệu và duy trì sự ổn định trong hoạt động vận hành của một câu lạc bộ. Doanh thu của các CLB J.League có 50% đến từ Nhà tài trợ, 20% đến từ bán vé, 30 % đến từ doanh thu khác (bản quyền truyền hình, đồ lưu niệm, giải thưởng, chuyển nhượng cầu thủ…). Những con số ấn tượng về doanh thu cũng như cách các CLB bóng đá Nhật Bản khai thác tài trợ, thu hút khán giả đến sân đã đem đến nhiều thông tin hữu ích cho đoàn công tác.
Trong chuyến công tác Nhật Bản lần này, Đoàn công tác công ty VPF và các CLB bóng đá chuyên nghiệp Việt Nam đã có cơ hội được theo dõi trận đấu giữa Kawasaki Frontale vs Shandong Taishan, trên sân vận động Kawasaki Todoroki trong khuôn khổ giải AFC Champion League Elite; trận đấu cuối của mùa giải J.League 1 giữa CLB Gamba Osaka – Sanfrecce Hiroshima trong khuôn khổ giải bóng đá VĐQG Nhật Bản (J.League 1) tại Sân vận động Panasonic Suita Gamba Osaka có sức chứa khoảng 40.000 khán giả. Ngoài ra, đoàn công tác cũng được thăm quan hệ thống sân đào tạo trẻ của CLB Kawasaki Frontale, sân vận động Saitama 2002 của CLB Urawa Red Diamonds với sức chứa hơn 60.000 người.
Chuyến công tác giao lưu, học hỏi, trao đổi kinh nghiệm với J.League và các CLB hàng đầu Nhật Bản đã đem lại nhiều kiến thức và trải nghiệm cho đoàn công tác. Chắc chắn rằng, với những kết quả đạt được, cũng như việc tạo dựng mối quan hệ giao lưu, hợp tác với các CLB bóng đá Nhật Bản sẽ mở ra nhiều cơ hội phát triển cho bóng đá Việt Nam trong tương lai.