Cuộc họp trực tuyến của J.League có sự tham dự của đại diện lãnh đạo các đơn vị tổ chức các giải bóng đá đến từ các nước Việt Nam, Philippines, Thái Lan, Malaysia, Campuchia, Indonesia, Myanmar, Singapore.
Cũng giống như nhiều nước trong khu vực, tình hình dịch Covid 19 tại Nhật Bản vẫn đang có nhiều diễn biến phức tạp, rất nhiều tỉnh thành của Nhật Bản đã ban bố tình trạng khẩn cấp với hàng trăm ca nhiễm Covid 19 mới mỗi ngày. Tuy nhiên, để hạn chế tác động của tình trạng khẩn cấp đối với nền kinh tế, Chính phủ Nhật Bản đã nới lỏng một phần các biện pháp chống dịch đối với các lĩnh vực, hoạt động cụ thể. Với hoạt động thể thao, các sự kiện thể thao, giải trí được Chính Phủ cho phép tổ chức với số lượng khán giả hạn chế, tối đa 5.000 người hoặc 50% công suất của địa điểm tổ chức thay vì không cho phép khán giả.
Nhật Bản đặt mục tiêu chung đối với lĩnh vực thể thao: “Bảo vệ sức khoẻ và cuộc sống đồng thời khôi phục xã hội cũng như các bộ môn thể thao là 1 phần của xã hội”.Chính vì vậy, J.League có thuận lợi khi các Giải bóng đá của Nhật hiện vẫn được tổ chức có kiểm soát với các phương án hoạt động phòng chống dịch Covid 19 được triển khai cụ thể từ đơn vị tổ chức giải đến các CLB.
Những kinh nghiệm trong công tác tổ chức giải đấu trong bối cảnh ảnh hưởng dịch Covid 19 được J.League chia sẻ rất cụ thể:
- Đối với cầu thủ cần nghiêm chỉnh chấp hành theo các hướng dẫn:
– Hạn chế tiếp xúc: Áp dụng quy định hạn chế số lượng cầu thủ đến sân tập cùng lúc, giảm số lượng cầu thủ sử dụng phòng tập cùng một thời điểm, thiết lập lối đi riêng biệt cho cầu thủ và các nhân viên…
– Hạn chế chạm vào các bề mặt nhiều người tiếp xúc như: tay nắm cửa, nút bấm thang máy, các dụng cụ kim loại…
– Tuân thủ nghiêm các quy định về giãn cách: ít nhất phải giữ khoảng cách 1m; thường xuyên đeo khẩu trang, rửa tay/khử trùng; không bắt tay hay ôm….
Các hoạt động tập luyện của các cầu thủ được thực hiện tùy theo diễn biễn của dịch Covid-19, được quy định rõ ràng theo 4 cấp độ: (1) Cá nhân (ở nhà): duy trì tập luyện tại nhà bằng các bài tập trực tuyến; (2)Cá nhân (ở sân tập): Tập luyện tại sân tuy nhiên tập riêng lẻ, không tiếp xúc (3) Theo nhóm nhưng không có tiếp xúc gần: tập luyện theo các nhóm nhỏ từ 5-8 người tại sân tập ; (4) Huấn luyện theo đội.
- Đối với công tác tổ chức giải: Phân chia các cấp độ hình thức tổ chức tùy thuộc tình hình dịch Covid 19 tại địa phương tổ chức: trận đấu không khán giả, trận đấu có khán giả. Tùy theo cấp độ hình thức tổ chức, số lượng khán giả được quy định không vượt quá 30 hoặc 50% hoặc không quá 5000 khán giả được phép đến sân, quy định khán giả phải giữ khoảng cách là điều bắt buộc. Khi đội bóng đến sân cũng luôn phải tuân thủ quy định về đeo khẩu trang, giữ khoảng cách. Phòng thay đồ của các đội bóng cũng phải sắp xếp giữ khoảng cách giữa các cầu thủ, thời gian ở trong phòng thay đồ cũng hạn chế ít nhất có thể, trong khoảng 30-40 phút, đặc biệt các cầu thủ không dùng chung chai nước…Các cầu thủ cũng được xét nghiệm Covid 19 định kỳ 2 tuần 1 lần bằng phương pháp PCR.
- Quy định đối với truyền thông/báo chí: Phóng viên đến tác nghiệp tại sân bắt buộc phải đăng ký, kiểm tra thân nhiệt tại cổng vào sân (thân nhiệt trên 37.5 độ không được phép vào sân); Phóng viên tuân thủ các quy định về vị trí tác nghiệp cố định tại sân, không được phép di chuyển, đổi vị trí. Giữ khoảng cách phỏng vấn 2m đối với cầu thủ, quan chức CLB tại sân, chỉ có Phóng viên bản quyền của J.League được phép phỏng vấn; hạn chế quay phim/chụp ảnh người hâm mộ bên ngoài sân hay trong phòng thay đồ để giảm thiểu nguy cơ lây nhiễm; Họp báo sau trận đấu được tổ chức theo hình thức trực tuyến thay vì phỏng vấn trực tiếp.
- Đối với người hâm mộ: các hoạt động truyền thông được thực hiện thường xuyên ở thời điểm trước trận đấu qua các kênh truyền thông khác nhau, tại các lối vào sân vận động và trong khuôn viên sân. Các hình thức tuyên truyền bằng các banner, khẩu hiệu, mascot của CLB được thực hiện đa dạng để khán giả biết và tuân thủ các quy định phòng chống dịch Covid 19 khi đến sân theo dõi các trận đấu.
Ông Nguyễn Minh Ngọc – TGĐ Công ty VPF cho biết những chia sẻ từ J.League là những kinh nghiệm thực tiễn rất thiết thực cho các đơn vị tổ chức giải đấu của các nước trong khu vực. Đối với V.League, từ mùa giải 2020 Công ty VPF cũng đã có những kinh nghiệm trong công tác tổ chức giải đấu trong bối cảnh bị ảnh hưởng dịch Covid 19. Về cơ bản, những biện pháp VPF và các CLB đã áp dụng tại hệ thống các giải bóng đá chuyên nghiệp Việt Nam cũng khá tương đồng với các biện pháp đang được triển khai tại J.League. Tuy nhiên, những kinh nghiệm thực tiễn từ J.League tổ chức giải trong bối cảnh dịch Covid 19 diễn ra trong cộng đồng thực sự là những bài học quý giá, VPF sẽ nghiên cứu để có thể áp dụng tại V.League khi các giải đấu được phép tổ chức trở lại.