Một thời vô hình
Trước năm 2019, hầu hết các tuyển thủ Việt Nam còn chưa được trang Transfermarkt để mắt đến và định giá chuyển nhượng. Vì sao bóng đá Việt Nam 2 năm trước vẫn còn “vô hình” trên bản đồ của Transfermarkt dù ở thời điểm đó, thành tích của các đội tuyển không kém hơn Malaysia hay Indonesia?
Việc bóng đá Việt Nam “vô hình” là do Transfermarkt định giá và thu thập thông tin cầu thủ không dựa nhiều vào thành tích thi đấu của các đội tuyển quốc gia, mà đặc biệt chú trọng vào các giải đấu cấp CLB.
Họ có lý do để làm như vậy bởi có một thời, các cầu thủ sau khi tỏa sáng ở World Cup, Euro, Asian Cup tăng vọt giá trị trên thị trường chuyển nhượng, nhưng rồi sau đó trở thành các bản hợp đồng thất bại thảm hại ở CLB. Vì vậy dù đội tuyển Việt Nam từng tạo được tiếng vang khi vào đến tứ kết Asian Cup 2007, vô địch AFF Cup 2008 nhưng những người hùng năm đó vẫn “vô hình” trong mắt các chuyên gia của Transfermarkt.
Anh Đức là một trong số các cầu thủ Việt Nam hiếm hoi được lọt vào bảng định giá của Transfermarkt cách đây vài năm, được ghi nhận chủ yếu nhờ vào thành tích ở CLB B.Bình Dương khi từng ghi đến 4 bàn ở AFC Champions League hồi năm 2016.
.
Những cầu thủ Việt Nam được Transfermarkt định giá cao nhất hiện nay – Đồ họa: M.TÁNH
V.League 2020 tăng giá nhờ vào cầu thủ
Nhưng hai năm qua bóng đá Việt Nam đã trải qua những cuộc lột xác ngoạn mục ở đấu trường quốc tế. Kết quả ấn tượng của các đội tuyển quốc gia cùng hành trình thành công của CLB Hà Nội ở AFC Cup 2019 (lọt vào bán kết) đã giúp giá trị của các tuyển thủ VN tăng lên, đặc biệt là sau mỗi giải đấu hay sau mỗi danh hiệu mà các cầu thủ giành được.
Rõ nhất là trường hợp của tiền vệ Đỗ Hùng Dũng. Trước đây, cầu thủ 27 tuổi này chỉ được trang Transfermarkt định giá… 28 ngàn USD. Nhưng khi Hùng Dũng giành giải thưởng “Quả bóng vàng Việt Nam 2019”, trang Transfermarkt hồi giữa tháng 6 đã cập nhật giá chuyển nhượng anh lên gấp 10 lần.
Không chỉ Hùng Dũng, V.League hiện tại có rất nhiều tuyển thủ được trang Transfermarkt định giá cao như Quế Ngọc Hải, Tiến Linh (cùng 337.000 USD), Quang Hải, Duy Mạnh (cùng 281.000 USD), Công Phượng, Tuấn Anh, Xuân Trường, Hồng Duy, Minh Vương, Hoàng Đức, Tô Văn Vũ, Hồ Tấn Tài (cùng 224.000 USD)…
Giá trị cầu thủ tăng lên nên giá trị các CLB, theo Transfermarkt, cũng tăng lên. Đương kim vô địch Hà Nội dẫn đầu giá trị đội hình ở V.League 2020 với 4,3 triệu USD. Hai đội xếp sau lần lượt là Viettel (4 triệu USD) và SHB Đà Nẵng (3,1 triệu USD).
Đáng chú ý khi đội bóng bỏ tiền nhiều nhất để mua sắm cầu thủ ở mùa giải năm nay là đương kim á quân TP.HCM chỉ xếp thứ 6 với 2,9 triệu USD. CLB có nhiều tuyển thủ quốc gia như Hoàng Anh Gia Lai chỉ xếp hạng 8 với 2,8 triệu USD.
Giá trị cầu thủ tăng lên giúp giá trị 14 CLB ở V.League 2020 gia tăng để đạt đến tổng số 37 triệu USD.
V.League hấp dẫn hơn, cầu thủ có lợi hơn Đó là đánh giá của bà Mae Mưa – người có lâu năm hành nghề môi giới chính thức của FIFA và hiện là giám đốc dự án thể thao của Tập đoàn Bình Minh – khi nói về mức tăng giá của V.League 2020 trên bảng định giá của Transfermarkt. Bà Mae Mưa nhận định: “Giải đấu thành công phải dựa vào các CLB. Cụ thể, nếu các CLB đầu tư nhiều về lực lượng sẽ khiến V.League trở nên hấp dẫn và nâng cao giá trị giải đấu lên. Chẳng hạn sau ngôi á quân V.League 2019, CLB TP.HCM đã đầu tư rất nhiều ở V.League 2020 nhằm đạt thành tích tốt hơn. Bản thân các cầu thủ cũng được hưởng lợi từ việc đầu tư của các CLB bởi muốn được chuyển nhượng giá cao, có được vị trí trong đội hình chính của CLB, họ sẽ phải nỗ lực nhiều hơn”. Việc xuất hiện trên Transfermarkt giúp cầu thủ VN thuận lợi hơn nếu có cơ hội xuất ngoại. Cụ thể khi các CLB nước ngoài có ý định chiêu mộ cầu thủ VN thì giá trị trên Transfermarkt chính là nguồn để tham khảo về năng lực của cầu thủ đó. (N.K.) |
Transfermarkt là gì? Đây là trang web cung cấp những số liệu thống kê chi tiết về thế giới cầu thủ, bao gồm những thông tin cơ bản, thành tích thi đấu (chi tiết đến số phút thi đấu mỗi trận), lịch sử chuyển nhượng, hồ sơ chấn thương… Và từ vô vàn những dữ liệu đó, họ đưa ra định giá về từng cầu thủ. Transfermarkt ra đời năm 2000 từ ý tưởng của ông Matthias Seidel (người Đức). Và khi nhà xuất bản khổng lồ Axel Springer SE thâu tóm Transfermarkt 8 năm sau đó, Transfermarkt bắt đầu trở thành một địa chỉ quen thuộc với người hâm mộ, các phóng viên lẫn những người làm bóng đá. Axel Springer SE được xem là nhà xuất bản kỹ thuật số lớn nhất châu Âu, sở hữu nhiều tờ báo lớn như Bild, Die Welt… Với đội ngũ nhân viên lên đến 15.000 người, họ có đủ nguồn lực để vươn đến mọi “ngóc ngách” của thế giới bóng đá và tập hợp thông tin về cơ sở dữ liệu khổng lồ của Transfermarkt. Nhà báo John Burn-Murdoch của tạp chí Financial Times nhận định: “Sự phối hợp giữa các biên tập viên của trang web và cơ sở thông tin toàn cầu đã tạo nên một cơ sở dữ liệu về cầu thủ khổng lồ cho Transfermarkt. Họ không có đối thủ về mặt này”. Những tiêu chí định giá cầu thủ của Transfermarkt Đây là các yếu tố mang tính quyết định: * Phong độ, thành tích: Đây là điều quan trọng nhất và tỏa sáng ở giải đấu càng lớn thì càng được định giá cao. * Tuổi tác: Ronaldo (66 triệu USD) và Messi (125 triệu) không còn nằm trong danh sách những cầu thủ đắt giá nhất thế giới vì tuổi tác của họ. Người được định giá cao nhất thế giới hiện này là Kylian Mbappe (180 triệu) chỉ mới 21 tuổi. * Chấn thương: Những chấn thương có thể giết chết sự nghiệp của một cầu thủ và đó là lý do khiến Quang Hải bị định giá thấp hơn Tiến Linh. * Hợp đồng với CLB: Cầu thủ sắp mãn hạn hợp đồng thì các CLB khác càng có cơ hội mua được họ với giá rẻ. Tuy giá trị trên thị trường chuyển nhượng sẽ tạm thời đi xuống, nhưng sẽ sớm khôi phục sau khi họ ký hợp đồng mới. * Độ nổi tiếng: Với tính thương mại hóa của bóng đá ngày nay, giá trị của cầu thủ không hoàn toàn chỉ nằm trên sân bóng. Có những cầu thủ đá tệ 1 – 2 mùa nhưng vẫn được định giá cao vì có giá trị hình ảnh thương mại lớn. |