3 trận đầu tiên của vòng này diễn ra vào ngày T6 (8/3).
Tại sân Hà Tĩnh, Hồng Lĩnh Hà Tĩnh gặp Hải Phòng (cùng 13đ) sẽ là trận cầu không khoan nhượng khi cả 2 đội đều chưa hề an toàn. Sau sự vươn lên của LPBank HAGL, khu vực bị cho là “tiềm ẩn nguy cơ” hiện tại trải từ vị trí thứ 9 (Hải Phòng) tới cuối bảng (Khánh Hoà) với khoảng cách chỉ là 5 điểm. Bởi vậy, khi các đội trong cùng nhóm gặp nhau thì các đội đang xếp phía trên đều cần ít nhất “không thua” (thắng thì quá tốt), trong khi chiến thắng mới là mục tiêu tối thượng với các vị trí cuối bảng. Thực lực và phong độ khá tương đương, nên việc được thi đấu tại sân nhà sẽ là một lợi thế của Hồng Lĩnh Hà Tĩnh ở trận này.,
Tâm điểm chú ý của vòng đấu nằm ở sân Thiên Trường, nơi Thép Xanh Nam Định (28đ, đang dẫn đầu bảng) đối mặt Đông Á Thanh Hoá (21đ, tạm xếp thứ 4) – đội cũng đang rất khát khao góp mặt trong tốp 3 mùa này. Dù vậy, kết quả trái ngược của 2 đội ở 2 vòng gần nhất (TXNĐ toàn thắng còn ĐATH toàn thua) có thể khiến người hâm mộ thành Nam yên tâm với phong độ ổn định của đội nhà. Càng đặc biệt hơn khi TXNĐ mùa này đã thể hiện cả bản lĩnh và phong thái của 1 nhà vô địch khi thắng Hà Nội và SLNA đều với những bàn thắng ở cuối trận, trong những phút bù giờ. Ngược lại, ĐATH lại khiến giới mộ điều xứ Thanh không khỏi lo lắng khi vừa gián tiếp “giúp” LPB.HAGL thoát khỏi vị trí cuối bảng bằng trận thua ngay tại sân nhà. Trong bối cảnh ấy, cũng dễ hiểu khi đội bóng của HLV Vũ Hồng Việt được đánh giá cao hơn.
Tại sân Hàng Đẫy, trận Hà Nội FC (16đ) – Quảng Nam (15đ) cũng đáng chú ý khi đội bóng Thủ đô đang rất nỗ lực để đeo bám nhóm trên, trong khi mục tiêu của đội tân binh đến từ xứ Quảng vẫn là trụ hạng. Trận thắng sát nút 1-0 trên sân Nhà Trang ở vòng trước đã cho thấy HN.FC mùa này tuy không còn nguyên vẹn sức mạnh như trước, nhưng vẫn xứng đáng là “kẻ thách thức” đối với các ứng cử viên vô địch. Phía bên kia, HLV Văn Sỹ Sơn đương nhiên hiểu rất rõ Hà Nội (đội bóng ông từng cơ thời gian dài gắn bó), nên trong tình thế bị đặt vào “cửa dưới”, đội khách sẽ chọn lối chơi mang tính phản công nhiều hơn với hy vọng có 1 điểm ở trận này.
Cả 4 trận còn lại cùng diễn ra vào ngày T7 (9/3).
Tại sân Pleiku, LPB HAGL (10đ) trở về hậu cứ tiếp đón TPHCM (18đ) – đội bóng cũ của HLV Vũ Tiến Thành. Không cơ gì để nghi ngờ, một khi đang tràn đầy hưng phấn với việc thoát khỏi đáy bảng (nhất là khi vừa thắng ĐATH ngay tại sân đối phương) thì đội bóng phố núi chắc chắn sẽ đặt mục tiêu giành 3 điểm ở trận này, dẫu TPHCM mới là đội có phong độ ổn định hơn. Hai chiến thắng liên tiếp cùng trên sân nhà trước MerryLand Quy Nhơn Bình Định và Becamex Bình Dương cho thấy cái “duyên” cầm quân của HLV Phùng Thanh Phương. Vấn đề ở chỗ, kết quả thi đấu trên sân khách của TPHCM chưa được tốt (chưa thắng trận nào), nên họ nhiều khả năng sẽ chọn cách tiếp cận chặt chẽ trong cuộc “đấu trí” của những cộng sự cũ.
Becamex Bình Dương (23đ) dù mới thua TPHCM ở vòng trước, nhưng tạm thời vẫn đang giữ được vị trí thứ 2. Dù vậy, khoảng cách điểm số của họ với các đội phía sau (CAHN và ĐA.TH) hiện chỉ là 1-2 điểm, có thể bị san bằng hoặc qua mặt ngay sau 1 trận đấu. Vậy nên, trong trận đấu tại sân nhà Bình Dương với SLNA (13đ), HLV Lê Huỳnh Đức và các học trò sẽ phải dốc sức để hướng tới chiến thắng. Ở phần sân đối diện, HLV Phan Như Thuật hiểu rõ tình thế hiện tại, SLNA giờ đây đã bị đặt vào “cửa dưới”, nên đương nhiên sẽ xác định cố gắng để có điểm ra về cũng là 1 thành công.
Tại sân Quy Nhơn, trận “derby Nam Trung Bộ” giữa MerryLand Quy Nhơn Bình Định (20đ) – Khánh Hoà (8đ) đặt cả 2 vào nghịch cảnh. Nếu không thắng, MQ.BĐ sẽ rất khó khăn trong cuộc đua vào tốp 3 của giải. Từng hạ cả TX.NĐ khi làm chủ nhà, đội bóng đất Võ hẳn nhiên được đánh giá cao hơn hẳn so với đối thủ ở trận đấu này. Ngược lại, Khánh Hoà cũng rất cần có điểm để không bị “lún” sâu ở vị trí đáy bảng. Nhưng tương quan lực lượng chênh lệch đã đành, việc phải làm khách tại Quy Nhơn lại là thử thách thật sự lớn đối với thầy trò HLV Trần Trọng Bình.
Tại sân Hàng Đẫy, cuộc đọ sức Thể Công Viettel (10đ) – CAHN (22đ) sẽ thu hút sự chú ý trước hết bởi… cái tên của 2 đội. Nó gợi lại cả 1 thời kỳ lịch sử tại giải VĐQG với những trận “derby Hà thành” cực kỳ hấp dẫn. Cả 2 tên tuổi lẫy lừng ấy từng mất đi, rồi lần lượt được hồi sinh nhờ quyết tâm của các Bộ chủ quản. Nhưng mọi thứ cũng đã khác xưa rất nhiều, đặc biệt là khi CAHN đang là đương kim vô địch với những sự đầu tư cực “khủng” trong 2 mùa vừa qua, còn TCVT vẫn đang lận đận kể từ khi Viettel FC được phép ghép tên với “tượng đài” của bóng đá nước nhà – Thể Công. Trong bối cảnh đang xếp áp chót, chỉ hơn đội cuối bảng vỏn vẹn 2 điểm, TCVT sẽ phải đá như đây là 1 trận “chung kết”. Nhưng CAHN cũng thế, cần tăng tốc để thu hẹp khoảng cách với đội đầu bảng. Một trận đấu hứa hẹn sẽ tuyệt hay, cả về câu chuyện lịch sử lẫn hiện tại với ưu thế đương nhiên được cho sẽ nghiêng về phía các nhà ĐKVĐ.