
Theo thông báo thay đổi lịch thi đấu mới nhất của BTC, 6 trong 7 trận đấu sẽ diễn ra vào ngày CN (6/4). Do có nhiều trận đấu diễn ra cùng ngày nên sẽ có 5/7 trận đấu vòng này có sự hỗ trợ của công nghệ VAR, hai trận đấu không áp dụng VAR là trận đấu Hoàng Anh Gia Lai vs Becamex Bình Dương và trận đấu Thể Công Viettel vs Quảng Nam.
Tại sân Pleiku, Hoàng Anh Gia Lai (18đ) tái ngộ Becamex Bình Dương (24đ) với mong muốn có thể đòi lại “món nợ” thua 1-4 trong trận lượt đi ở sân Gò Đậu. Xét cả về thực lực lẫn phong độ thì dường như đội bóng phố núi có phần hơi lép so với đối thủ. Bởi vậy, trên lý thuyết, yếu tố sân nhà có thể sẽ giúp HAGL cân bằng lại trong màn so tài này. Về phía bên kia, BBD đang ở vị trí khá “lưng chừng” (hạng 5), kém 3 điểm so với vị trí tốp 3, nhưng cũng chỉ hơn đội thứ 6 là CAHN vỏn vẹn 2 điểm. Nói cách khác, đội khách nhiều khả năng sẽ chọn cách nhập cuộc thật chắc chắn ở trận đấu khá cân bằng này sau đó sẽ… tùy cơ ứng biến.
Đương kim vô địch Thép Xanh Nam Định (31đ) – đang dẫn đầu bảng xếp hạng – tiếp đón Hải Phòng (20đ), một đối thủ cũng có phong độ khá cao trong các vòng đấu trước quãng nghỉ dài vừa qua. Dường như HLV Vũ Hồng Việt và BHL đội bóng thành Nam đã tìm ra giải pháp thỏa đáng cho 2 sự vắng mặt của Nguyễn Xuân Son và Văn Toàn trên hàng công, qua đó giúp đội bóng tìm lại tính hiệu quả trong lối chơi. Trong đó, 2 trận thắng trước Hà Nội FC và TCVT – các đối thủ cạnh tranh trực tiếp – mang ý nghĩa vô cùng quan trọng để tái lập ưu thế trong cuộc đua hướng tới việc bảo vệ ngôi vô địch. Nhưng Hải Phòng – đội bóng được dẫn dắt bởi HLV Chu Đình Nghiêm, người từng gắn bó phần lớn thời gian chơi bóng của mình dưới màu áo Nam Định – cũng đang cho thấy sự tiến bộ với chuỗi 3 trận thắng liên tiếp trước kỳ nghỉ (HLHT, Quảng Nam và SHBĐN). Từng thắng 2-1 ngay tại sân Lạch Tray trong trận lượt đi, nên không có gì để nghi ngờ vào ưu thế của TXNĐ, nhất là khi họ được chơi trên “thánh địa” Thiên Trường. Nhưng liệu họ có thể cụ thể hóa ưu thế thành thắng lợi hay không trước một Hải Phòng chơi bóng giàu toan tính cũng cần chờ thực tế trả lời.
Quy Nhơn Bình Định (13đ) – đội đang xếp áp chót – gặp Hồng Lĩnh Hà Tĩnh (21đ) cũng là trận đấu không dễ dự đoán kết quả. Nếu chỉ xét về phong độ tại giải đấu năm nay thì không ai nghi ngờ vào vị thế “cửa trên” của HLHT, ngay cả khi phải thi đấu trên sân đối phương. Tuy nhiên, vấn đề của HLHT vẫn vậy: Có thể đá rất chắc chắn và khó thua (sau trận thua đầu tiên trước Hải Phòng, HLHT tiếp tục có 2 trận hòa trước các đội mạnh hơn là HNFC và ĐATH), đến nỗi họ được ví như “vua hòa” của giải năm nay. Trận lượt đi của 2 đội cũng kết thúc với tỷ số hòa, dù QNBĐ phải đá trên sân đối phương với lực lượng suy yếu nhiều so với mùa giải trước. Vậy nên, nếu cần chọn một “kết quả dự kiến” thì nhiều người sẽ nghĩ đến việc đôi bên cùng nhau… cưa điểm!
Tại sân Hàng Đẫy, trận Hà Nội FC (27đ, tạm xếp thứ 3) – Đông Á Thanh Hóa (26đ, hạng 4) có thể xem như tâm điểm của vòng này. Xét về lý thuyết, cả 2 đều còn nguyên cơ hội chạy đua “tốp 3”, thậm chí có thể hơn thế nếu đạt phong độ cao ở các vòng đấu tới. Ngược lại, vị trí hiện thời của họ cũng có thể không giữ được khi BBD đang bám sát phía sau với khoảng cách chỉ là 2 và 3 điểm ít hơn. Bởi vậy, đây sẽ là trận cầu không khoan nhượng giữa 2 ứng cử viên của giải. Dưới sự dẫn dắt của HLV Makoto, HNFC đang dần phát huy trở lại sức mạnh của mình. Trong khi ĐATH sẽ lần đầu tiên được dẫn dắt bởi tân “thuyền trưởng” Steinbruckner (mang 2 dòng máu Croatia và Đức). Hai đội từng hòa nhau 1-1 trong trận lượt đi, nên trận lượt về vẫn rất khó lường dù trên lý thuyết lợi thế sẽ nghiêng về phía đội chủ nhà. Đây là trận cầu được đánh giá tâm điểm của vòng đấu khi cả hai đều đang trong tốp 4, số điểm san sát nhau và sẵn sàng bứt phá để cạnh canh ngôi vô địch. Chính vì tính chất “cực nóng” mà BTC giải quyết định bên cạnh việc áp dụng công nghệ VAR còn có thêm sự hiện diện của 2 trọng tài ngoại tới từ Malaysia là trọng tài Mohamad Kamil Zakaria Bin Ismail và Razlan Joffri Bin Ali. Một trọng tài điều hành chính trận đấu và một trọng tài sẽ làm việc với vai trò trọng tài VAR.
Trận TPHCM (19đ) – SLNA (16đ) cũng hứa hẹn sẽ rất thú vị. Nếu như đội chủ sân Thống Nhất thuộc diện “thường thường bậc trung” thì SLNA suốt mấy mùa liền đều thuộc nhóm phải chạy đua trụ hạng. Vị trí hiện tại (thứ 3 từ dưới lên với 3 điểm nhiều hơn đội đang xếp áp chót) cũng sẽ buộc SLNA phải tiếp tục nỗ lực trong mọi trận đấu để hướng tới mục tiêu trụ hạng thành công. Thực lực xấp xỉ nhau, nhưng phong độ thực tế cộng với lợi thế sân nhà giúp nhiều người có thể sẽ nghiêng về phía TPHCM hơn (lượt đi 2 đội hòa 1-1). Nhưng còn một yếu tố nữa để củng cố vào điều này chính là việc SLNA chưa từng có trận thắng nào kể từ đầu giải khi làm khách.
Tại sân Mỹ Đình, không có gì để nghi ngờ vào mục tiêu giành trọn 3 điểm của Thể Công Viettel (28đ, tạm xếp thứ 2) khi gặp Quảng Nam (19đ). Với việc chỉ đang kém đội đầu bảng TXNĐ 3 điểm, cơ hội cạnh tranh vị trí cao của TCVT là rất rõ ràng. Mục tiêu vào tốp 3 ban đầu có vẻ khó khăn, nhưng nay đã hiện hữu. Trận thắng 2-1 ngay tại sân của BBD – 1 trong các đối thủ cạnh tranh ở tốp đầu – đã giúp người hâm mộ của đội bóng này bớt đi mối lo âu (sau 2 trận thua liên tiếp trước CAHN và TXNĐ). Ở phia bên kia, Quảng Nam tuy bị đánh giá thấp hơn, nhưng điểm tựa tinh thần của thầy trò HLV Văn Sỹ Sơn chính là trận hòa ở lượt đi hay chuỗi 3 trận bất bại trên sân khách gần đây (thắng Hải Phòng, hòa CAHN và ĐATH).
Trận đấu muộn nhất vòng 17 sẽ diễn ra vào ngày T2 (7/4) tại sân Tam Kỳ giữa SHBĐN (9đ) và CAHN (22đ). Ký ức buồn về trận thua 0-3 ở lượt đi tại sân Hàng Đẫy vẫn còn đó. Nhưng khách quan mà nói, căn cứ vào cán cân thực lực cũng như phong độ sẽ rất khó để đội bóng sông Hàn có thể đặt mục tiêu “đòi nợ” trong trận đấu này, trừ khi có yếu tố đột biến nào đó. Mục tiêu “có điểm” xem ra là khả dĩ nhất đối với thầy trò HLV Lê Đức Tuấn, dù biết sẽ hết sức khó khăn.