4 trong 6 trận của vòng 20 sẽ diễn ra vào ngày T3 (18/10).
Tại sân Hoà Xuân, SHB Đà Nẵng (18đ) không còn lựa chọn nào khác ngoài mục tiêu chiến thắng khi tiếp đón Đông Á Thanh Hoá (24đ). Hoà HL.HT ở vòng trước, đội bóng của HLV Phan Thanh Hùng đã nối dài chuỗi trận không thắng lên con số 7, và càng đáng báo động hơn khi họ chỉ còn hơn đội cuối bảng (vị trí rớt hạng) vỏn vẹn 2 điểm. Nhưng với lực lượng khá mỏng hiện tại, việc muốn tạo sự áp chế về mặt chiến thuật đối với đối thủ là vô cùng khó khăn (ở trận lượt đi, SHB.ĐN từng thua trắng 0-3 tại Thanh Hoá). Điểm tựa tinh thần chính là việc được thi đấu tại sân nhà, và xét về nhiều mặt, lợi thế ấy có lẽ cũng chỉ đủ để giúp họ tạo thế cân bằng trong lần tái ngộ này mà thôi.
Trong khi ấy, Sông Lam Nghệ An (26đ) – đội vừa giành trọn 3 điểm ngay tại Pleiku ở vòng trước sẽ chẳng có lý do gì để phải e ngại khi gặp đội cuối bảng Sài Gòn (16đ). Đội khách tuy không thắng Viettel, nhưng cũng cho thấy một số tín hiệu khá tích cực cả về lối chơi lẫn tinh thần thi đấu. Khoảng cách với các đội phía trên hết sức mong manh, đồng nghĩa với cơ hội để thoát khỏi vị trí “cầm đèn đỏ” cũng không hề nhỏ. Một đối thủ ở thế “dựa chân tường” như vậy không hề dễ khống chế, nên trận này vẫn khó lường, dù SLNA đương nhiên được đánh giá là nhỉnh hơn cả về phong độ lẫn lợi thế sân nhà.
Tại sân Quy Nhơn, Topenland Bình Định (30đ) chắc chắn được đánh giá cao hơn nhiều so với Hồng Lĩnh Hà Tĩnh (17đ) – đội đang đứng trước nguy cơ lớn khi chỉ còn hơn Sài Gòn vỏn vẹn 1 điểm. Sở hữu lực lượng vượt trội, lại từng đánh bại đối phương ngay tại sân khách, đội bóng đất võ có quá nhiều yếu tố để người ta tin sẽ giành trọn 3 điểm, nhất là khi họ sẽ được sự cổ vũ của đông đảo khán giả nhà. Còn với HL.HT, để tự cứu mình, mỗi trận đấu còn lại đều sẽ phải chơi như một trận “chung kết”. Và họ cũng không ít lần gây ngạc nhiên khi bị đặt vào vị thế “cửa dưới” và thi đấu trên sân đối thủ.
Được chờ đợi nhiều nhất vòng này chính là cuộc đọ sức giữa ĐKVĐ Viettel (30đ) với HA.GL (22đ), 2 tên tuổi lớn của giải đấu, cùng được xem là ứng cử viên nhưng lại có nhiều khác biệt ở mùa giải này. Từng có thời điểm Viettel rơi xuống nửa dưới bảng xếp hạng, cùng lúc ấy Viettel chễm trệ ở tốp 2 đội dẫn đầu. Nhưng khi Viettel tìm lại chính mình, càng đá càng tỏ ra ổn định thì HA.GL lại gần như… rơi tự do. Thất bại ngay trên sân nhà trước SLNA đã là trận thứ 7 liên tiếp không thắng của đội quân phố núi, cơ hội cạnh tranh ngôi vô địch tan thành mây khói. Thậm chí mục tiêu giành huy chương (tốp 3) có lẽ cũng đã thành “xa xỉ”. Trong bối cảnh ấy, việc phải thi đấu trên đối phương càng khiến HA.GL ở tình thế bất lợi hơn, và có lẽ chỉ cần hoà ở trận này cũng là kết quả tốt đối với thầy trò HLV Kiatisuk.
2 trận còn lại cùng diễn ra vào ngày T4 (19/10).
Tại sân Lạch Tray, Hải Phòng (32đ) – đội vừa trở lại vị trí thứ 2 sau chiến thắng ngay tại sân Thanh Hoá ở vòng trước – chắc chắn sẽ quyết giành 3 điểm khi đón tiếp Becamex Bình Dương (23đ). Sự ổn định phong độ của các trụ cột, cộng với lối chơi vừa chắc chắn vừa giàu sức bật khiến đội bóng đất Cảng luôn vững vàng ở tốp 5 kể từ đầu mùa tới nay, cũng là bằng chứng cho thực lực của họ ở mùa giải này. Việc 2 đội từng hoà nhau 2-2 trong trận lượt đi cũng phần nào dự báo về một trận tái đấu đầy khó khăn cho đội bóng đất Thủ tại đất Cảng.
Cuối cùng là trận đấu tại sân Thống Nhất giữa TPHCM (17đ) và Hà Nội (35đ). Thực lực có phần chênh lệch, phong độ cũng rất khác biệt ở những vòng đã qua, nên có lẽ ít người tin vào một chiến thắng của đội chủ nhà, dù họ chính là một trong số ít đội từng giành điểm ngay tại sân của Hà Nội ở mùa này. Đây đó trên công luận đã xuất hiện lại câu hỏi quen thuộc: Ai sẽ cản bước được Hà Nội? Dù bị đánh giá là “chiếu dưới”, nhưng TPHCM sẽ chẳng có lý do gì để “ngại” Hà Nội, nhất là trong bối cảnh chỉ có thể siết chặt tay nhau để tiến về phía trước trong cuộc đua chạy trốn suất xuống hạng mà thôi.