Hai trận đầu tiên cùng tại nhóm A diễn ra trong ngày T7 (24/10).
Tại sân Cẩm Phả, Than Quảng Ninh (28đ, hạng 4) – đội vẫn còn nguyên hy vọng cạnh tranh – gặp TPHCM (21đ, hạng 6), đội gần như không còn “cửa”, nên kết quả của trận đấu chắc chắn sẽ có nhiều ý nghĩa hơn với đội chủ nhà. Nhưng không có nghĩa là chúng ta có thể phủ nhận những cố gắng thể hiện mình của đội khách. Quyết tâm của họ vẫn được thể hiện rõ trong trận hòa Sài Gòn FC ở vòng trước (đồng nghĩa với việc cản bước tiến, thậm chí có thể góp phần làm tan vỡ cả giấc mơ vô địch của đội bóng cùng thành phố). Bởi vậy, nếu vẫn giữ được thái độ tiếp cận như vậy, thì đây vẫn sẽ là một trận đấu không dễ dàng với Than Quảng Ninh. Ngay tại sân nhà, đội bóng vùng than từng bất ngờ thất thủ tới 0-3 ở “lượt đi” trước TPHCM. Nhưng tình thế so với thời điểm vòng 9 đã rất khác, nên xem ra đội chủ nhà vẫn được đánh giá cao hơn một chút bởi yếu tố tinh thần.
Tại sân Hàng Đẫy, đội ĐKVĐ Hà Nội (29đ) giờ đây đã thật sự trở lại cuộc đua vô địch khi vượt qua Sài Gòn FC 1 điểm và chỉ còn cách đội đầu bảng Viettel 2 điểm. Với lợi thế sẽ được liên tiếp thi đấu tại sân nhà, thầy trò HLV Chu Đình Nghiêm được xem sẽ là thử thách lớn nhất đối với tham vọng lần đầu đăng quang của Viettel. Nhưng để đảm bảo có thể tiếp nối “truyền thống… ngựa về ngược” (Hà Nội không “vô địch lượt đi” tại 4 trong số 5 lần lên ngôi vô địch chung cuộc trước đây), trước hết họ cần có được chiến thắng khi đối đầu Becamex Bình Dương (23đ). Kết quả đối đầu ở mùa trước – khi cả 2 đội cùng nhau thi đấu khá thành công tại AFC Cup – cho thấy ưu thế của Hà Nội. Trong mùa này, khi đang gặp khó khăn về lực lượng thì Hà Nội vẫn biết cách đánh bại B.BD ngay tại sân đối phương…
5 trận đấu còn lại diễn ra vào ngày Chủ Nhật (25/10).
Tại SVĐ Pleiku, Hoàng Anh Gia Lai (20đ) – đội đã toàn thua (và đều thua đậm) cả 3 trận đầu giai đoạn 2 – tiếp đón ứng cử viên vô địch Sài Gòn trong tình thế rất cần nhưng điểm số mang tính danh dự. Vấn đề cốt yếu của HA.GL xem ra vẫn không có gì mới: Tính hiệu quả trong lối chơi và khắc phục nhược điểm nơi hàng phòng ngự. “Bộ đôi HLV trưởng” Văn Đàn – Minh Ninh mới có vẻ còn khá lúng túng trước những bài toán này, bởi nếu không thì họ sẽ tiếp tục có nguy cơ trắng tay thêm 1 trận đấu nữa… Phía bên kia, sau khi bị chững lại, Sài Gòn cũng rất cần một kết quả thuận lợi để có thể duy trì hy vọng đua tranh với các đối thủ sừng sỏ là Viettel và Hà Nội. Lượt đi cũng tại đây, đôi bên hòa 1-1, và trận lượt về cũng được dự báo là ngang sức.
Tại Thanh Hóa, trận “derby Thanh Nghệ” giữa Thanh Hóa (19đ) với SLNA (21đ) được cho là sẽ không quyết liệt như những lần gặp nhau trước đây. Họ đều đã chắc suất trụ hạng, nên vấn đề chỉ còn là kiếm thêm điểm số để khép lại mùa giải với vị trí cao nhất có thể mà thôi.
Trận Quảng Nam (12đ) – SHB Đà Nẵng (22đ) tại Tam Kỳ thu hút sự chú ý nhiều hơn. Người ta đang nói rất nhiều về “thái độ” chơi bóng của đội khách (vốn đã trụ hạng) khi đến làm khách trong trận đấu này. Đội bóng của HLV Lê Huỳnh Đức từng thắng tưng bừng tới 6-1 trong trận “lượt đi”, nhưng tình thế sẽ hoàn toàn khác ở trận đấu này. Trên một chừng mực nào đó, cũng cần ghi nhận những nỗ lực của Quảng Nam trong bối cảnh phải tự cứu mình trước khi đợi… trời cứu.
Cùng thời điểm, tại SVĐ Thiên Trường, trận DNH Nam Định (17đ) – Hải Phòng (16đ) rất có thể sẽ được “nối mạng” với diễn biến ở sân Tam Kỳ. Bởi nếu khả năng Quảng Nam thắng, đồng nghĩa với việc chỉ còn kém 2 đội bóng trên từ 1-2 điểm thì sẽ tác động rất lớn tới sự quyết tâm của 2 đội bóng (đều chưa an toàn). Nhưng dù sao thì họ cũng không thể bị động chờ đợi để rồi đánh mất khả năng tự quyết của mình. Nói cách khác, đây sẽ là một trận đấu tiềm ẩn nhiều diễn biến hấp dẫn khi họ sẽ phải quyết đấu để giảm thiểu nguy cơ.
Trận đấu cuối cùng của vòng 4 tại nhóm A giữa Hồng Lĩnh Hà Tĩnh (sẽ diễn ra tại SVĐ Hàng Đẫy (thay vì sân Hà Tĩnh) để tránh ảnh hưởng của mưa lũ. Trong thời điểm cuộc đua vô địch đang rất gay cấn, Viettel chiếm ưu thế cũng như cơ hội giành trọn 3 điểm để giữ vững ngôi đầu ít nhất trước 3 vòng còn lại khi tiếp tục được thi đấu trên sân nhà.