Chiều 7/11 diễn ra 2 trận đấu sớm, cùng mang ý nghĩa danh dự với 4 đội ở nửa dưới bảng xếp hạng nhóm A.
Tại Pleiku, Hoàng Anh Gia Lai tiếp Hồng Lĩnh Hà Tĩnh (cùng 20 điểm), 2 đội có kết quả thi đấu “đuối” nhất, đặc biệt là đội quân phố núi với “kỷ lục buồn” 6 trận thua liên tiếp, liệu họ có thể giành được 1 chiến thắng mang ý nghĩa danh dự hay không khi đối thủ là một đội bóng tân binh? Nhưng HL Hà Tĩnh cũng sẽ chẳng buông xuôi, dù đã tự bằng lòng với 1 suất trụ hạng sớm. Trong trường hợp đội khách vẫn phát huy lối đá phòng ngự chặt chẽ thì sẽ không dễ để HA.GL giành trọn 3 điểm, dù họ vẫn được đánh giá cao hơn.
Trận TPHCM – Becamex Bình Dương (cùng 27đ) được chờ đợi hơn ở khía cạnh chuyên môn. Nhưng tình thế cũng được cho là rất cân bằng. Trong trận lượt đi, chính B.BD – đội được cho là “khắc tinh” của các đội bóng TPHCM – đã lấy trọn 3 điểm ngay tại SVĐ Thống Nhất. Nói cách khác, đây giống như một cuộc “đòi nợ” mang ý nghĩa danh dự và phân định xem đội nào có thể góp mặt trong tốp 5 của giải đấu.
Hai trận “chung kết” của cả mùa giải cùng diễn ra sau đó 1 ngày (8/11).
Trận “chung kết” thứ nhất diễn ra trên SVĐ Cẩm Phả, nơi đội chủ nhà đã không còn khả năng cạnh tranh vào 2 vị trí đầu bảng, nhưng đội khách Hà Nội FC thì hừng hực khí thế muốn lấy trọn 3 điểm để hướng tới một cuộc “lội dòng nước ngược” cực kỳ đáng nhớ. Xin nhắc lại là để bảo vệ được ngôi vô địch, Hà Nội buộc phải thắng ở nơi mà họ từng thua 1-3 trong tại giai đoạn 1. Nhưng Hà Nội bây giờ đang rất khác so với gần 8 tháng trước, khi họ thiếu hụt lực lượng trầm trọng và nhiều cầu thủ trụ cột suy giảm phong độ. Sức mạnh của Hà Nội đã được phục hồi rất nhanh chóng trong thời gian qua, đặc biệt là nhiều vị trí trụ cột đã tìm lại phong độ cao. “Cú đại bác” của Quang Hải trong trận thắng 4-2 trước Sài Gòn cho thấy sự lợi hại của ngôi sao này; thêm vào đó là sự lắt léo rất “dị” của Thành Lương, phong độ ổn định của Văn Quyết, rồi sự tiến bộ thần tốc của các cầu thủ trẻ như Văn Xuân, Văn Tới… bên cạnh các ngoại binh như Moses, Rimario, Pape Omar… và tất nhiên phải nói tới sự ổn định của thủ môn Tấn Trường đã đem đến sự bổ sung rất kịp thời. Đội chủ nhà Than Quảng Ninh thì ngoài việc không có Hồng Quân, Xuân Tú, sẽ vắng thêm chân sút Jemie Lynch… nên sẽ rất khó tái lập thế trận và kết quả ở trận “lượt đi”. Thậm chí nhiều người còn tin vào một chiến thắng cho Hà Nội, nhưng mới là điều kiện CẦN trong các điều kiện mà thôi…
Điều kiện ĐỦ của Hà Nội lại nằm ở… sân Thống Nhất, nơi Viettel – đội đang dẫn đầu bảng với 38 điểm làm khách trong cuộc đối đầu với Sài Gòn (34đ) – đội vừa chính thức mất cơ hội vô địch, nhưng vẫn chưa hết hy vọng vươn lên vị trí Á quân (nếu thắng trực tiếp Viettel). Trên lý thuyết, Viettel đang chiếm ưu thế khi hơn HN 2 điểm, nhưng nếu chỉ hòa thôi trong khi HN thắng TQN thì khoảng chênh ấy sẽ lập tức bị san bằng và Hà Nội mới là đội lên ngôi nhờ chỉ số phụ cao hơn! Cái khó của thầy trò HLV Trương Việt Hoàng nằm ở đó, họ cũng buộc phải hướng tới 1 chiến thắng mới đảm bảo có thể đi vào lịch sử của BĐVN với danh hiệu vô địch lần đầu tiên. Những phát biểu của HLV Vũ Tiến Thành ngay sau trận đấu với Hà Nội ở vòng trước đã cho thấy đội chủ nhà sẽ quyết tâm như thế nào để có thể vừa chứng minh khả năng của mình, vừa hướng tới hy vọng có thể giành được vị trí Á quân (thay vì bằng lòng với 1 vị trí trong tốp 3 hiện tại). Xét về thực lực và phần nào đó về phong độ, đương nhiên Viettel được đánh giá cao hơn nhờ chiều sâu lực lượng cũng như sự ổn định trong lối chơi (phần nào mang màu sắc “thực dụng” đầy chắc chắn). Nhưng Sài Gòn FC thì hơn ở tâm lý thoải mái, họ sẽ thi đấu mà gần như không chịu một áp lực tâm lý lớn như đối thủ của mình. Bởi lý do ấy mà mọi khả năng đều có thể xảy ra trong trận “chung kết” thứ hai được dự báo là sẽ vô cùng gay cấn và hấp dẫn này.
Nếu bảo vệ được ngôi vô địch, Hà Nội FC sẽ lập cùng lúc 2 kỷ lục: Đội đầu tiên có 6 lần VĐQG và cũng là đội đầu tiên vô địch trong 3 mùa giải liên tiếp. Còn Viettel, nếu lên ngôi thì sẽ ghi thương hiệu của mình vào bảng vàng các nhà vô địch – một mốc son thật sự tuyệt vời!