Từ những số liệu chuyên môn
Khá bất ngờ khi tốp 5 tạm thời chỉ có tên 2 trong trong số 5 đội dẫn đầu V.League 2018: Hà Nội (vô địch mùa trước, tạm thứ 2) và Sông Lam Nghệ An (hạng 4 mùa trước, thứ 3). 3 đội còn lại trong tốp 5 hiện tại đều tạm thời có “tiến bộ” so với mùa trước, trong đó TPHCM – đội bóng được dẫn dắt bởi HLV Chung Hae Soung (cựu GĐKT của Hoàng Anh Gia Lai) gây ấn tượng mạnh nhất khi vươn từ hạng 12 lên thứ 1 sau 3 trận toàn thắng; trong khi ấy đội bóng đất cảng Hải Phòng (hạng 6 lên 4) và Sài Gòn (hạng 8 lên 5). Một tín hiệu thật sự vui, bởi lâu lắm rồi người ta mới lại thấy cả 2 đại biểu của bóng đá thành phố mang tên Bác cùng góp mặt trong tốp 5 của V.League!
Trong khi đó, ở chiều ngược lại, sau những “lùm xùm” liên quan tới đối tác tài trợ trước mùa giải, đương kim Á quân Thanh Hóa đã có sự khởi đầu thật chậm chạp khi mới chỉ có vỏn vẹn 1 điểm (hòa 1, thua 2), tạm xếp thứ 13. Đội Sanna Khánh Hòa BVN từng giành HCĐ mùa trước còn gây “sốt ruột” hơn nhiều khi là đội duy nhất kể từ đầu giải đá 3 trận và toàn thua, xếp chót trong số 14 đội dự giải năm nay. Các nhà cựu vô địch Quảng Nam cũng tạm thời xếp thứ 3 từ dưới lên do mới có 2 điểm (2 hòa, 1 thua).
Sau 3 vòng đấu đầu tiên, Wake-up 247 V.League 2019 có số lượng khán giả trung bình ở mức khá, hơn 8000 người /trận, tuy chưa phải con số đột phá như nhiều người chờ đợi (sau những thành công rực rỡ của bóng đá Việt Nam tại các đấu trường quốc tế trong năm qua), nhưng cũng đáng ghi nhận, vì cao hơn khoảng 1.000 người/trận so với số liệu trung bình cả mùa 2018 (6.297 người/trận). Trong khi những sân vận động nổi tiếng là chảo lửa của V-League như sân Thiên Trường vẫn duy trì được phong độ, thì một số sân vận động trước đây chưa đông khán giả song nay đã trở nên giàu sức sống hơn, chẳng hạn như sân Hàng Đẫy, sau 2 trận đấu của CLB Hà Nội (vòng 1) và CLB Viettel (vòng 3) đã thu hút lượng CĐV lên tới 27.000 người. Hoàn toàn dễ hiểu khi Hà Nội – đội bóng sở hữu nhiều tuyển thủ quốc gia nhất – chính là đội có lượng khán giả tới sân theo dõi đông nhất, cả 3 trận đều từ 1,3 vạn người trở lên (bao gồm 2 trận trên sân đối phương)!
Số bàn thắng trung bình ghi được ở mỗi trận đấu sau 3 vòng đầu là 3,14 một sự tiến bộ so với số liệu trung bình sau 3 vòng ở mùa trước (1,78 bàn/trận). Với đội hình vô cùng chất lượng, đội ĐKVĐ Hà Nội cũng chính là đội tạo nên chiến thắng cách biệt nhất kể từ đầu mùa (5-0 trước Than Quảng Ninh).
Mới chỉ là bước khởi đầu
Dù không có được vị trí dẫn đầu với 7 điểm có được (2 thắng, 1 hòa), nhưng Hà Nội vẫn đang cho thấy họ là ứng cử viên sáng giá nhất của mùa giải năm nay. Sở hữu rất nhiều tuyển thủ quốc gia, lại có dàn ngoại binh chất lượng cùng sự ổn định về mọi mặt, đội bóng Thủ đô đang phải căng mình trên cả mặt trận AFC Cup. Nhưng xem cách họ thi đấu trong các chiến thắng 5-0 trước Than Quảng Ninh hay 2-0 trong trận “Derby Hà Nội” trước Viettel, ngay cả trận hòa trên sân Quảng Nam trong thế trận vượt trội, có thể nhận thấy rất khó để các đối thủ khác có thể cản bước họ bảo vệ thành công ngôi vô địch.
TPHCM, đội đã toàn thắng 3 trận kể từ đầu giải có làm được điều ấy? Hãy còn quá sớm để xem đội bóng của ông Chung Hae Seong là một “hiện tượng” của giải năm nay. Dưới bàn tay của chuyên gia Hàn Quốc, đội đang có nhiều thay đổi tích cực, đặc biệt là lối chơi vừa nhuần nhuyễn hơn, vừa mang màu sắc thực dụng hơn hẳn so với trước. Tuy nhiên, xét về chiều sâu lực lượng, TPHCM vẫn chưa thể yên tâm sẽ đứng vững trong tốp 3 khi giải đấu kết thúc.
Sau vòng đầu tiên, nhiều người đã nhắc tới Hoàng Anh Gia Lai – thắng đậm 4-1 ngay trên sân 19/8 của Sanna Khánh Hòa – như hy vọng về một “đối trọng” với Hà Nội FC. Nhưng ngay sau đó là 2 trận thua liên tiếp cùng trước các đội bóng đến từ TPHCM. Xem cách HA.GL chơi bóng, nhiều người nhận ra một “nghịch lý”: Họ thành công hơn khi đá một cách chặt chẽ, và dễ rơi vào thất bại khi cố gắng áp đặt thế trận bằng lối đá tấn công nhưng lại thiếu độ sắc bén. Việc thiếu vắng Xuân Trường hay Công Phượng có lẽ ảnh hưởng phần nào đó tới sức mạnh của “đội bóng phố núi” (không quá đặt nặng thành tích), nhưng nếu nhìn nhận lại quan điểm xây dựng CLB của ông bầu Đoàn Nguyên Đức, thì 2 trận thua vừa qua vẫn sẽ đem lại nhiều giá trị cho nhiều cầu thủ trẻ của họ.
Sông Lam Nghệ An, đội xếp hạng 4 mùa trước đang cho thấy sự ổn định trong lối chơi và phong độ với 7 điểm có được cho tới thời điểm hiện tại. Trên sân nhà, “đội bóng xứ Nghệ” đã toàn thắng khi gặp Quảng Nam (2-0) và Bình Dương (2-1), còn khi tới làm khách tại Cẩm Phả, họ cầm hòa Than Quảng Ninh (0-0). Tuy nhiên, liệu SLNA có thể cản bước Hà Nội không thì còn phải chờ thêm thời gian để dàn cầu thủ trẻ trung của họ chứng tỏ sự tiến bộ của mình.
Viettel – tân binh duy nhất của mùa giải năm nay – dù được gửi gắm nhiều hy vọng sẽ “tái hiện hình ảnh Thể Công”, nhưng cũng được cho là chỉ nên xác định mục tiêu trụ hạng là vừa sức. Thua 1-3 trước SHB Đà Nẵng, thắng sát nút 2-1 trên sân nhà trước một Thanh Hóa đang khủng hoảng, rồi lại thua 0-2 trước Hà Nội trong tình thế bị áp đảo, rõ ràng còn rất nhiều việc phải làm cho đội bóng doanh nghiệp Quân đội này trên hành trình khẳng định mình, trước khi nghĩ tới việc có thể được chấp thuận mang cái tên của tượng đài Thể Công ngày nào.
Những đội tạm thời chưa thành công như Thanh Hóa hay Sanna Khánh Hòa chắc chắn đều cần tận dụng quỹ thời gian tạm nghỉ của giải đấu để kịp thời “chỉnh cán, rèn quân”, đặc biệt là sớm ổn định về tinh thần của đội bóng. Trong khi ấy, dù đang tạm dẫn đầu, TPHCM cũng chưa thể an tâm sẽ có được sự đột phá thành tích, vì những thử thách khó khăn vẫn còn trước mắt họ.
Đường trường mới biết ngựa hay!