4 trận đầu tiên diễn ra vào chiều Chủ nhật (28/3).
Tại sân Vinh, SLNA tiếp các nhà ĐKVĐ Viettel (cùng 7 điểm) trong tình thế “căng như dây đàn”. Chiến thắng trước SHB.ĐN ở vòng 5 đã giúp đội bóng xứ Nghệ lần đầu vươn lên nửa trên bảng xếp hạng kể từ đầu giải. Trong khi ấy, Viettel thì tụt xuống vị trí thứ 9 tạm thời sau 2 trận thua sốc trước HA.GL. Dù vậy, cách biệt với vị trí thứ 6 (đủ để tiếp tục cạnh tranh ngôi vô địch sau giai đoạn 1) hiện chỉ là 2 điểm, đồng nghĩa với việc đội nào thắng sẽ có nhiều cơ hội góp mặt trong nhóm trên sau vòng đấu này. Trong lần đụng độ ở mùa trước, cũng tại sân Vinh, SLNA đã phải trắng tay (thua 1-2) trước Viettel đang có phong độ cao. Trong thành công của Viettel ở mùa giải năm ngoái, sự đóng góp của “bộ 4” Trần Nguyên Mạnh – Quế Ngọc Hải – Nguyễn Trọng Hoàng và Hồ Khắc Ngọc là hết sức quan trọng. Khi Ngọc chấn thương, Viettel có được sự bù đắp của tiền vệ Abdumuminov (Uzbekistan). Nhưng ngoại binh kể trên sẽ không thể thi đấu trận này vì thẻ phạt. Đấy có lẽ cũng là một khiếm khuyết đáng tiếc trong đội hình chiến thuật của HLV Việt Hoàng khi đấu trí với người đồng đội cũ ở ĐTQG (Ngô Quang Trường). Nhưng Viettel vẫn có trong tay một đội hình chất lượng, đủ sức đương cự với sự hưng phấn của đội chủ nhà.
Tại SVĐ Pleiku, không có gì để nghi ngờ rằng Hoàng Anh Gia Lai (10đ) sẽ tiếp TPHCM (6đ) với mục tiêu tiếp tục chiến thắng. Dưới sự dẫn dắt của HLV Kiatisuk, đội bóng phố núi đã gần như “lột xác”, với một lối đá giàu tính hiệu quả, trong đó phát huy tối đa năng lực của những ngôi sao như Công Phượng, Xuân Trường, Văn Thanh… cũng như các ngoại binh. Trong khi ấy, TPHCM vừa trải qua trận “thua đơn, thiệt kép” ở vòng 5 trước Hà Nội (và mất tiền vệ đánh chặn Hoàng Thịnh), tinh thần toàn đội chắc chắn bị ảnh hưởng không nhỏ. Bởi vậy, chưa bàn tới kỷ niệm từng thắm đậm tới 5-2 ở mùa trước, HA.GL cũng xứng đáng được đánh giá cao hơn trong trận đấu mà Công Phượng sẽ đối đầu với đội bóng mà anh vừa chia tay sau một giải đấu không thành công.
Tại SVĐ Lạch Tray, Hải Phòng và Than Quảng Ninh (cùng 9đ) gặp nhau trong trận “derby vùng Đông Bắc” khá thú vị. Dư luận hẳn chưa quên câu chuyện Than Quảng Ninh cho mượn quân, góp phần trong thành quả trụ hạng của đội bóng đất Cảng. Những Fagan hay Lynch – từng khoác áo TQN – chắc chắn sẽ là “chủ bài” trong trận đấu này, trong khi ở phía bên kia, Hồng Quân và Xuân Tú (cùng được cho HP mượn) đang tiếp tục là những cầu thủ quan trọng nhất của đội khách. Khi đã quá hiểu nhau, thì đây ắt sẽ là một trận cầu khó cho cả đôi bên.
“Hiện tượng” của mùa giải trước – Sài Gòn FC – tiếp đón Nam Định (cùng 6đ) trên sân nhà Thống Nhất, nên chắc chắn sẽ đặt mục tiêu chiến thắng. Từ đầu mùa tới giờ, cả 5 trận đấu của SG.FC đều kết thúc với tỷ số 1-0 (3 thua trên sân khách và toàn thắng 2 trận sân nhà). Điều ấy cũng có nghĩa dù được dẫn dắt bởi tân HLV trưởng Shimoda Masahiro (Nhật Bản), nhưng Sài Gòn dường như vẫn trung thành với lối chơi chắc chắn. Những con số thống kê cũng cho thấy Nam Định rất đáng gờm khi được thi đấu tại sân nhà, nhưng lại thường giảm sút tính hiệu quả mỗi khi làm khách (mùa trước thua 0-3 trước Sài Gòn và đã thua cả 2 trận trên sân đối phương ở mùa này). Vì thế, giành 1 điểm cũng là thành công với thầy trò HLV Văn Sỹ.
3 trận còn lại diễn ra vào ngày T2 (29/3).
Tại SVĐ Thanh Hóa, đội bóng xứ Thanh (4đ) đang ở vị trí áp chót gặp một SHB Đà Nẵng (9đ) từng toàn thắng 3 trận đấu và thua liên tiếp 2 trận gần đây (tương tự Thanh Hóa). Sau nhiều thay đổi, những tưởng Thanh Hóa có thể sẽ là hiện tượng ở mùa giải này, nhưng có vẻ HLV Petrovic vẫn chưa thể tạo nên sự khác biệt khi lực lượng trong tay ông cũng chỉ được đánh giá là ngang bằng (hay nhỉnh hơn đôi chút) so với năm ngoái. Từng thua SHB.ĐN tới 0-3 ngay tại đây ở mùa trước, nhưng có lẽ việc được trở về sân nhà vẫn sẽ là nguồn động lực lớn nhất để Thanh Hóa hy vọng vào chiến thắng thứ 2 từ đầu giải.
Tại SVĐ Quy Nhơn, đội tân binh Topenland Bình Định (7đ) gặp Becamex Bình Dương (9đ) trong một trận đấu được đánh giá là rất khó dự đoán. Lợi thế sân nhà và lối chơi chặt chẽ từng giúp thầy trò HLV Đức Thắng chấm dứt mạch thắng của SHB.ĐN. Nhưng B.BD – dưới sự dẫn dắt của HLV Phan Thanh Hùng – lại được đánh giá cao hơn ở kinh nghiệm trận mạc và từng thắng cả đội đương kim Á quân Hà Nội khi đá trên sân đối phương. Cuộc đấu trí giữa 2 HLV Đức Thắng – Thanh Hùng vì thế cũng rất được chờ đợi, và có thể sẽ mang ý nghĩa quyết định tới kết quả trận đấu.
Cuối cùng là cuộc tái ngộ cũng rất thú vị trên SVĐ Hàng Đẫy giữa Hà Nội (9đ) và Hà Tĩnh (4đ), đội bóng từng được gọi vui là “Hà Nội B” trong quá khứ chưa xa. HLV Chu Đình Nghiêm đối đầu với người cộng sự cũ Phạm Minh Đức (cũng từng có thời điểm dẫn dắt Hà Nội), nhưng với 2 lối chơi nhiều khác biệt: Một bên giàu sức tấn công nhờ dàn “sao” đang phục hồi phong độ (vừa thắng liên tiếp 3 trận để vươn lên nhóm đầu) và bên kia tiếp tục kỳ vọng vào tính hiệu quả với lối đá phòng ngự phản công (vòng trước vừa thắng trận đầu tiên trước Hải Phòng). Dù Hà Nội vừa mất Đỗ Hùng Dũng vì chấn thương kinh hoàng tuần trước, nhưng xét một cách toàn diện, sẽ là bất ngờ lớn nếu Hà Tĩnh có điểm ở trận đấu này.