Phó chủ tịch VFF Phạm Ngọc Viễn khẳng định công tác đào tạo trẻ ảnh hưởng tới tương lai bóng đá nước nhà.
Có khá nhiều thay đổi từ bản quy chế này so với mùa giải trước, trong đó đáng chú ý là việc VFF quan tâm hơn tới công tác đào tại bóng đá trẻ.
Theo đó, từ mùa giải 2014, các CLB tham gia Giải vô địch quốc gia và giải hạng Nhất phải có Trung tâm đào tạo bóng đá trẻ hoặc Học viện bóng đá bao gồm các lứa tuổi từ U11 đến U19 (U11, U13, U15, U17, U19). Theo Phó chủ tịch VFF Phạm Ngọc Viễn, đây là một nhiệm vụ bắt buộc, quyết định đến tương lai của bóng đá nước nhà.
Đây không phải là nội dung mới mẻ, vì trong những những bản Quy chế được ban hành trước đây đã có đề cập. Thậm chí ngay từ mùa giải 2001, trong bản Quy chế bóng đá chuyên nghiệp đầu tiên cũng đã nói đến vấn đề đào tạo trẻ. Tuy nhiên theo ông Viễn, thời gian đầu chỉ mang tính thí nghiệm vì mới lên chuyên nghiệp, không bắt buộc các CLB phải tiến hành. Song, ngay từ thời gian đầu, một số CLB đã rất chú trọng công tác đào tạo trẻ như Sông Lam Nghệ An, Hoàng Anh Gia Lai, Nam Định…
Chủ tịch VFF Nguyễn Trọng Hỷ cũng nhấn mạnh: “Một điều chắc chắn là muốn bóng đá phát triển bền vững thì phải phát triển đào tạo trẻ, phải có hệ thống cơ sở bài bản, đủ tiêu chuẩn. Nếu các CLB chỉ phát triển nóng thôi thì đến một lúc lại bỏ bóng đá. Tôi rất mừng vì nhiều CLB đang làm tốt, nhưng cũng có một vài CLB chưa thực sự có sự đầu tư, mà chỉ đi thuê, mướn cầu thủ. Thậm chí như các giải U19, U21, một số CLB vẫn chưa có đội tuyển tham dự. Đó thật sự là một khiếm khuyết và tôi thấy rất trăn trở về điều đó.
Một vài năm trở lại đây, thị trường chuyển nhượng đang ngày càng trở nên náo loạn. Lý do bởi cung ít hơn cầu, giá chuyển nhượng vì thế cũng tăng ảo. Khâu đào tạo trẻ không còn thời gian thử nghiệm nữa mà phải bắt buộc. VFF yêu cầu các CLB phải có học viện hoặc trung tâm trong vòng hai năm nữa để tạo ra áp lực với các CLB này. Theo ông Viễn, nếu đội nào không có hệ thống các đội từ U15-21, sẽ phải chịu chế tài xử phạt.
Chỉ có điều, các chế tài của VFF cũng chỉ cho có. Mức phạt 100-200 triệu đồng là quá ít để khiến các ông bầu phải sợ. So sánh để dễ hình dung, số tiền thưởng nóng mà nhiều ông bầu ném ra cho mỗi trận thắng lên tới cả tỷ đồng.
Công tác đào tạo trẻ vô cùng tốn kém. Hàng trăm cầu thủ mới chọn và được vài người. Chính vì thế, một số CLB không có đủ các lứa tuổi U từ dưới lên trên. Thậm chí một số còn phải đi thuê, mượn. Phần lớn các CLB mới chỉ tập trung vào con người, để chứng tỏ là có đào tạo, mà chưa quan tâm đồng bộ cơ sở vật chất, hồi phục chấn thương, thể lực… kèm theo.
Các HLV đội tuyển quốc gia thường hay phàn nàn về chất lượng cầu thủ trẻ khi lên tuyển. Các cầu thủ trẻ chưa có có kỹ thuật bài bản. Các HLV như Calisto hay Falko Goetz luôn tích cực phối hợp cùng VFF và các CLB quyết tâm lấp đi lỗ hổng về đào tạo bài bản cho các cầu thủ trẻ.
Ngoài khâu đào tạo cơ bản từ các lứa tuổi U, các CLB chưa chú ý tới việc tạo điều kiện cho các cầu thủ thi đấu cọ xát, đặc biệt là ở sân chơi V-League, dẫn đến trình độ các tuyển thủ đội tuyển quốc gia không đồng đều.
Bên cạnh công tác đào tạo trẻ, trong bản quy chế mới, VFF cũng bổ sung một số điểm như yêu cầu về tài chính hoạt động của các đội bóng (nâng lên 40 tỷ đồng từ năm 2014), giấy chứng nhận hành nghề cầu thủ từ năm 2013; quy định đại diện cầu thủ; quyền hạn và nhiệm vụ của Ban Trọng tài, trọng tài; khai thác tài trợ, quảng cáo, bản quyền truyền hình; chưa chấp nhận cầu thủ việt kiều là nội binh…
Bản Quy chế này được công bố sau một thời gian rất dài được VFF nghiên cứu và chỉnh sửa.