Chiều 20/2, Lớp đào tạo trọng tài VAR tại phòng LAB (Laboratory) đã được tổ chức tại trụ sở Công ty Cổ phần Bóng đá chuyên nghiệp Việt Nam ở Hà Nội. Tham dự khai mạc Lớp đào tạo có ông Trần Anh Tú – Phó Chủ tịch LĐBĐVN, Chủ tịch HĐQT Công ty VPF; ông Nguyễn Quốc Hội – Ủy viên thường trực BCH LĐBĐVN, Phó Chủ tịch thường trực HĐQT Công ty VPF; Ông Dương Nghiệp Khôi – Tổng thư ký LĐBĐVN; ông Nguyễn Minh Ngọc – Tổng Giám đốc Công ty VPF, Trưởng BTC các Giải BĐCN QG 2023; ông Đặng Thanh Hạ – Trưởng Ban Trọng tài LĐBĐVN cùng 4 giảng viên, 18 trọng tài và trợ lý trọng tài. Hướng dẫn trực tuyến tại lớp đào tạo là ông Hakan Anaz – giảng viên FIFA.
Phát biểu khai mạc tại Lớp đào tạo, ông Trần Anh Tú khẳng định: “Việc tập huấn VAR đặc biệt quan trọng với các trọng tài, trợ lý trọng tài. Trong 14 ngày liên tục, các bạn sẽ được tham gia làm quen với công nghệ VAR trên hệ thống mô phỏng, cũng như được đào tạo các bước ứng dụng công nghệ VAR – mức độ 1 với tình huống đơn giản. Sau đó, chúng ta sẽ còn những giai đoạn tiếp theo sau đó nữa. Nếu như chúng ta tập huấn tốt, vượt qua bài kiểm tra của FIFA thì VAR mới có thể được áp dụng trên sân thi đấu. Sự hiện diện của VAR ở các trận đấu chuyên nghiệp là điều mà LĐBĐVN, VPF và đặc biệt là Ban Trọng tài mong muốn”.
Ông Nguyễn Minh Ngọc chia sẻ: “Ngay trong năm 2022, dưới sự chỉ đạo của LĐBĐVN, Công ty VPF, chúng tôi đã triển khai tái khởi động dự án VAR ở Việt Nam. Hiện tại, chúng ta đã đến giai đoạn các trọng tài VAR được đào tạo tại phòng LAB. Sau giai đoạn này, các trọng tài còn phải tiếp tục tham gia vào các giai đoạn tiếp theo sau đó, dựa trên yêu cầu của FIFA. Chỉ khi nào các trọng tài vượt qua được bài kiểm tra đến từ FIFA thì bóng đá Việt Nam mới có thể đủ điều kiện vận hành VAR, với dự kiến của chúng tôi là ở mùa giải 2023/24. Thời gian đào tạo tương đối dài, nên chúng tôi ghi nhận sự nỗ lực của các trọng tài vì mục đích sớm đưa VAR vào các trận đấu của Việt Nam. Tôi hy vọng trong quãng thời gian V.League tạm nghỉ để các ĐTQG tập trung, Ban Trọng tài sẽ tận dụng để hoàn thành khóa học theo quy định từ phía FIFA”.
Liên quan đến các trọng tài tham gia đào tạo, ông Đặng Thanh Hạ chia sẻ: “Ban Trọng tài đã lựa chọn 18 trọng tài tham dự lớp đào tạo lần này, bao gồm 4 trọng tài FIFA, 12 trọng tài quốc gia và 2 trợ lý FIFA. Trong 14 ngày, các trọng tài, trợ lý sẽ làm quen với thiết bị, phân tích video trong bộ 75 tình huống mà FIFA cung cấp. Các trọng tài sẽ thực hành phân tích dựa trên công nghệ video. Đối với thực tế các trận đấu, ngoài 4 trọng tài trên sân thì trong phòng VAR, chúng ta cần có 1 Trọng tài, 1 Trợ lý VAR và 1 kỹ thuật”.
Một số hình ảnh tại Lớp đào tạo trọng tài VAR:
* Thời gian triển khai VAR ở V.League – Từ 2019, VPF liên hệ FIFA để được tư vấn, hướng dẫn về các thủ tục và quy trình áp dụng VAR, liên hệ Thai League để tham khảo mô hình VAR tại Thai League – Từ ngày 15/12/2022 đến tháng 5/2023: Triển khai nhập thiết bị xe VAR, trong đó có việc nhập khẩu, xin giấy phép nhập khẩu, hợp quy các thiết bị thông tin liên lạc vận chuyển thiết bị đến địa điểm bàn giao lắp đặt; Khảo sát mặt bằng các sân vận động sẽ triển khai xe VAR; Thiết kế, lắp đặt vật tư xe VAR, triển khai tích hợp hệ thống tại địa điểm lắp đặt. – Đào tạo trọng tài + Đào tạo lý thuyết cho 50 trọng tài: Hoàn thành lớp học online do FIFA tổ chức ngày 12/11 + Giai đoạn 2 – 4 giảng viên trọng tài, 18 trọng tài tham dự đào tạo tại phòng LAB theo hình thức tập trung từ ngày 20/2 đến 6/3/2023. – Dự kiến cuối tháng 3 hoặc tháng 4/2023: việc đào tạo các bước ứng dụng công nghệ VAR – mức độ 2, các tình huống phức tạp dài 3-5 phút cùng việc áp dụng 1 trận đấu 90 phút trực tiếp hoặc ghi trước – Dự kiến tháng 5 hoặc 6/2023: Đào tạo tại các trận đấu không chính thức. |