Phương thức này có thể tạo ra 2 hiệu ứng: Nếu hòa nhập tốt với môi trường mới, anh ta (và nhiều cầu thủ khác) sẽ mang lại hạnh phúc tột cùng cho đội bóng và các CĐV; và ngược lại, anh ta có thể là nguyên nhân, là mầm mống của mọi “thảm họa” từ trên sân đến phòng thay đồ. Chính vì thế, các nhà tuyển trạch luôn phải cân nhắc trong việc lựa chọn sao cho hài hòa giữa các yếu tố: chuyên môn, tính cách và khả năng tài chính…
Đơn cử như Anthony Stevens, tân binh này đang mang lại những nụ cười cho các CĐV Hải Phòng với 2 bàn thắng và những màn trình diễn rất ấn tượng. Ở chiều ngược lại, Timothy của Thanh Hóa đã gây thất vọng não nề và Vua phá lưới V-League 2012 gần như phải nói lời tạm biệt với chính giải đấu làm nên tên tuổi anh ta vì chẳng còn đội bóng nào dám chứa “quả bom nổ chậm” này nữa.
Thực tế, để thẩm định chất lượng một tân binh ở thời điểm này rất khó, hoặc nếu có (bắt buộc) thì đấy cũng chỉ là đánh giá tương đối giữa lý tính và cảm tính. Hay nói nôm na, cũng giống như người ta mua một dàn âm thanh, những bản nhạc cất lên đầu tiên luôn nghe rất sướng tai, nhưng có thánh thót thêm vài bản nữa hay không, còn phải đợi câu trả lời từ… thời gian.
Từ quá khứ tới hiện tại, đã có không ít tân binh trở thành “biểu tượng” của một đội bóng, ví như Gaston Melo của SHB.ĐN, hay Cristiano Roland ngày trước và Gonzalo bây giờ của HN.T&T… Họ là tấm gương không chỉ cho cầu thủ ngoại và cả cầu thủ bản địa học hỏi, về chuyên môn lẫn sự chuyên nghiệp trong đời sống. Và để có được điều đó, những cầu thủ nói trên luôn biết vượt qua những “cám dỗ” từ tiền bạc và cả sắc đẹp vây quanh.
Vậy nên “họa hay là phúc” của tân binh, còn phải chờ xem họ ứng xử với những “cạm bẫy” vốn đã và đang tồn tại song song với bóng đá Việt Nam như thế nào!