Gọi tên tân binh
Toyota V.League 2017 vẫn chưa khởi tranh nhưng người ta đã thấy có sự phân hóa giữa tốp đua tranh ngôi vô địch và nhóm sẽ phải cạnh tranh để tránh suất xuống hạng. Đây không phải là điều hoàn toàn xa lạ bởi ở các mùa giải trước, khi trái bóng chưa lăn thì những ứng cử viên cho suất “đi tàu ngược” đã được đánh dấu đỏ. Dễ hiểu tại sao các đội bóng như Long An, XSKT.CT, Sài Gòn FC, QNK.QN, Sanna.KH, HAGL, TP.HCM lại được điểm danh cho suất này.
Dĩ nhiên, CLB TP.HCM sẽ là cái tên được nhắc nhiều nhất vì đơn giản đây là tân binh của V.League. Những ngày qua, đội bóng này đã được nhắc đến rất nhiều trên các phương tiện truyền thông bởi những ầm ĩ xung quanh chuyện lực lượng và cả những thay đổi từ thượng tầng. Song những điều này không giúp CLB TP.HCM thoát khỏi vị trí ứng viên xuống hạng nếu như đặt họ bên cạnh những đại diện từng có kinh nghiệm tham chiến V.League.
Có một sự thú vị, năm nay NHM bóng đá TP.HCM sẽ được chứng kiến trận derby vì bóng đá Thành phố còn có một đại diện khác là Sài Gòn FC. Năm ngoái, đội bóng vốn có hộ khẩu ở Hà Nội từng xếp vị trí 7/14 đội. Đây là vị trí không khiến lãnh đạo CLB hài lòng. Thế nên, năm nay Sài Gòn FC đã đặt mục tiêu cao hơn. Dù vậy, hãy đừng quên họ cũng chỉ được xếp “cùng mâm” với các đội chiều dưới. Và sẽ không thừa, nếu Sài Gòn FC cũng phải có cho mình một kế hoạch “chống xuống hạng” trước khi nghĩ tới việc leo cao trên bảng xếp hạng.
Những gương mặt quá quen
Thật ra, sự phân hóa của V.League bắt đầu từ mục tiêu khát vọng của các đội bóng từ trước mùa giải, hay như người ta vẫn nói đó là nhóm “quyết tâm vô địch” và nhóm “đặt mục tiêu trụ hạng”. Tiêu biểu cho nhóm “đặt mục tiêu trụ hạng” là Long An, XSKT.CT, QNK.QN, HAGL, Sanna.KH… Thật lạ vì như XSKT.CT lại phải đặt mục tiêu khiêm tốn trụ hạng. Sở dĩ nói như vậy là vì trong 2 năm qua, đội bóng xứ Tây đô có những sự đầu tư rất lớn về tiền bạc lẫn con người. Cụ thể, nếu so với con số theo ước tính đã bỏ ra khoảng 40-50 tỷ đồng thì XSKT.CT xứng đáng có vị trí tốt hơn thay vì cán đích ở vị trí 11/14 trong 2 mùa giải gần đây.
Trong số những ứng cử viên xuống hạng, có lẽ Long An là đội bóng nhiều kinh nghiệm nhất. Cũng như mùa trước, nhà vô địch V.League 2005 và 2006 chỉ đặt mục tiêu khiêm tốn trụ hạng. Điều đáng nói, năm nay đội bóng này có lực lượng dày hơn năm ngoái. Trong khi đó, Sanna.KH vốn được xem là “hiện tượng” của V.League vài mùa qua. Tuy nhiên, đội bóng này đang có những đổi thay trong quan điểm làm bóng đá. Cụ thể, đội bóng phố Biển chỉ sử dụng những cầu thủ bản địa. Sự hoài nghi đang hướng về đội bóng của HLV Võ Đình Tân khi họ để những cầu thủ trụ cột ra đi. Uche là một ví dụ điển hình. Tiền đạo này đã về FLC.TH mà không có bất kỳ lời mời ở lại nào.
Chắc chắn, HAGL là một trong những cái tên được để ý nhiều nhất. Kể từ khi đôn lứa cầu thủ của Học viện bóng đá HAGL-Arsenal JMG lên chơi tại V.League 2015, đội bóng phố Núi luôn là tâm điểm của NHM và cả giới truyền thông. Sau 2 năm chinh chiến ở đấu trường cao nhất của bóng đá Việt Nam, lứa “gà nòi” đã có những tiến bộ vượt bậc về chuyên môn lẫn kinh nghiệm thi đấu. Có lẽ vì thế, lãnh đạo HAGL đã quyết định cho những cầu thủ được coi là “công thần” ở vài mùa qua là trung vệ Nguyễn Văn Thắng, tiền vệ Bùi Trần Vũ và hậu vệ Bùi Văn Long ra đi.
Điều này cũng đồng nghĩa, ở mùa giải 2017, HAGL sẽ là sàn diễn của các cầu thủ trẻ. Trong đó, có những cầu thủ vừa trở về từ Nhật Bản như Công Phượng và Tuấn Anh. Thực tế, đội bóng phố Núi vẫn còn những cầu thủ có kinh nghiệm như trung vệ Dương Văn Pho hay thủ môn Tô Vĩnh Lợi, song việc mất đi trục xương sống có thể khiến họ gặp khó khăn.
Khác với HAGL, QNK.QN vẫn giữ được bộ khung năm ngoái. Tuy nhiên, thật khó để đội bóng xứ Quảng tiếp cận tốp đầu bởi thực họ không đủ lực để nghĩ đến chuyện kiếm huy chương.
Tóm lại, mùa giải 2017 đang thực sự khó lường vì các đội bóng đều chất lượng sàn sàn nhau. Dù vậy, trong một cuộc chiến đường dài thì vẫn có thể khẳng định, đội bóng nào có sự chuẩn bị kỹ càng về lực lượng lẫn khát vọng thì sẽ có nhiều cơ hội ở lại V.League nhiều hơn.