VPF đã ký hợp tác với Sportradar nhằm có phương pháp chống tiêu cực tại mùa giải mới. Đây là điều chưa từng có trong tiền lệ các giải đấu chuyên nghiệp Việt Nam trước đây và đồng thời cũng là một trong những đổi mới nổi bật tại mùa bóng 2016.
Nói về Sportradar, đây là công ty cảnh báo cá cược quốc tế có trụ sở tại Thụy Sỹ. Trong 15 năm thành lập và hoạt động, công ty này đã sở hữu một loạt các chi nhánh tại hơn 25 quốc gia trên thế giới.
Theo Tổng giám đốc Cao Văn Chóng của VPF chia sẻ thì Sportradar hoạt động trên cơ sở thế mạnh về công nghệ và an ninh mạng, sở hữu một hệ thống dữ liệu toàn cầu về thể thao, các thông số bóng đá cũng như các mối quan hệ chặt chẽ với nhà cái sẽ phân tích, phát hiện các dấu hiệu bất thường trong các trận đấu để từ đó thông báo cho đối tác nhằm có biện pháp xử lý phù hợp.
Đây là đối tác được nhiều liên đoàn bóng đá, từ AFC (LĐBĐ châu Á) cho đến các quốc gia khu vực tín nhiệm hợp tác. Ví dụ như ở trận bán kết lượt về AFF Suzuki Cup 2014 trên sân Mỹ Đình, khi đó ĐT Việt Nam bất ngờ thua 2-4 trước Malaysia mặc dù ở lượt đi, thầy trò HLV Miura đã giành chiến thắng 2-1. Trận thua này khiến nhiều người cho rằng đã có hành vi tiêu cực.
Chính vì điều này mà LĐBĐ Đông Nam Á đã nhờ Sportradar vào cuộc. Kết luận cuối cùng từ Sportradar là đây chỉ là một trận đấu bình thường. Việt Nam thua đơn thuần vì lý do chuyên môn.
Đặt ra câu hỏi vậy Sportradar sẽ hỗ trợ VPF chống tiêu cực từ xa như thế nào? Thắc mắc này đã được Tổng giám đốc VPF – Cao Văn Chóng lý giải cụ thể:
Theo ông Chóng, dựa trên thế mạnh khai thác dữ liệu từ internet, Sportradar dễ dàng phát hiện những giao dịch đáng ngờ, số dư tài khoản, tin nhắn điện thoại, tài khoản mạng xã hội (Facebook, Twitter, Zalo…) của các cá nhân liên quan cũng như các số liệu, thông tin từ nhà cái.
Nếu phát hiện có những diễn biến bất thường ở các trận đấu tại mùa bóng 2016, Sportradar sẽ cung cấp thông tin cho đơn vị đối tác là VPF. Từ đó, VPF sẽ có giải pháp xử lý tiếp theo với từng trường hợp cụ thể.
Liên quan đến những diễn biến bất thường, việc phát hiện, kiểm tra sẽ được cả VPF lẫn Sportradar tương tác 2 chiều với nhau. Nghĩa là trên cơ sở thông tin và dữ liệu có được, Sportradar khi phát hiện những thông tin bất thường sẽ gửi thông báo về cho VPF và ngược lại, khi VPF muốn có cơ sở dữ liệu về một trận đấu mà họ cho là cần thiết thì hoàn toàn có thể yêu cầu Sportradar cung cấp những thông tin xung quanh đó.
Theo ông Cao Văn Chóng, Sportradar không chỉ dừng lại ở việc thông báo những dữ liệu bất thường về các trận đấu ở V.League mà cả các trận ở Giải hạng Nhất cũng như Cúp Quốc gia. “Mong muốn của VPF khi hợp tác với Sportradar là để mang đến cho khán giả những trận đấu công bằng, lành mạnh. Ngoài ra là để giáo dục tư tưởng cho các cầu thủ thi đấu ở V.League, Giải hạng Nhất và Cúp Quốc gia.
Qua đây, BTC giải sẽ vận hành giải đấu tốt hơn và các CLB cũng sẽ có cơ sở để nắm bắt, quản lý và cảnh báo các cầu thủ của mình khi có thông tin bất thường. Ngoài ra, nếu có trường hợp đáng tiếc xảy ra, VPF sẽ xử lý một cách nghiêm túc, quyết liệt và mạnh tay. Nói không với dàn xếp trận đấu sẽ là thông điệp chúng tôi chuyển tải thường xuyên đến người hâm mộ cả nước trong thời gian tới”, ông Cao Văn Chóng cho biết.
Một câu hỏi đặt ra là Sportradar sẽ quản lý, giám sát các cầu thủ thi đấu ở V.League thế nào sao cho tránh vi phạm việc xâm phạm quyền riêng tư của người khác. Ông Cao Văn Chóng chia sẻ: “Đơn vị Sportradar được phép hoạt động ở phạm vi toàn cầu và họ hiểu rõ luật pháp quốc tế cũng như luật pháp của mỗi quốc gia mà họ hoạt động.
Khi phát hiện những trường hợp bất thường, các đội ngũ chuyên gia sẽ tiến hành tìm hiểu, sử dụng các biện pháp loại trừ, khoanh vùng, nghiệp vụ kỹ thuật để biết được những thông tin cần thiết, những thông tin này chúng tôi chỉ sử dụng với một mục đích duy nhất là làm trong sạch môi trường bóng đá Việt Nam chứ không vì bất cứ mục đích nào khác”.