B.BD là đội bóng chuyên nghiệp bậc nhất hiện nay. Ở đó, nhà nước tạo ra rất nhiều cơ chế để đội bóng khai thác tạo nguồn tài chính dồi dào nhằm duy trì các hoạt động. Từ khai thác quảng cáo trên quốc lộ đến các hoạt động kinh doanh bất động sản, dịch vụ đều được công ty quản lý của B.BD tham gia một cách có hiệu quả. Và thế là B.BD dù không trực tiếp dùng tiền ngân sách, nhưng vẫn có được dòng tiền ổn định ở mức cao để trở thành ông Vua trên thị trường chuyển nhượng. Ngân sách nhà nước không phải chi tiền, nhưng vai trò của địa phương với đội bóng là vô cùng lớn.
Với FLC Thanh Hóa thì khác. Một thời gian dài họ tự hào vì tìm ra được mô hình điểm của giai đoạn quá độ. Rồi khi mà các ông bầu mệt mỏi trong việc kiếm tiền và không còn hào hứng với thói quen tiêu tiền cho bóng đá thì bầu sữa ngân sách đã được bơm. Nhưng, sau một thời gian tự hào về mô hình ấy, người ta nhận ra rằng, vẫn có những bất cập trong việc chi tiêu tiền ngân sách cho bóng đá. Và khi ấy, không chỉ bóng đá Thanh Hóa mà ở nhiều địa phương khác người ta phải đau đáu tìm ra một mô hình chuẩn nhằm đa dạng nguồn tài chính nuôi bóng đá nhưng vẫn phải đảm bảo vai trò của địa phương như giá trị cốt lõi của CLB.
Vậy mới nói, B.BD chính là “mô hình điểm” của FLC Thanh Hóa. Ban lãnh đạo của đội bóng này cũng muốn có được một cơ chế đủ thông thoáng để tạo ra những giá trị bền vững nhằm đưa FLC Thanh Hóa thành một biểu tượng của V.League. Tất nhiên, để có được một cách mạng về đường hướng thì cần có được sự đột phá về tư duy cũng như phương cách xây dựng đội bóng. Thay vì tự biến thành mình là nơi tiêu tiền, FLC Thanh Hóa đang cố gắng biến mình thành đơn vị kiếm tiền thông qua cơ chế từ lãnh đạo tỉnh.