1: Sự ra đi của HLV kỳ cựu Phan Thanh Hùng đã khiến Hà Nội T&T rơi vào khủng hoảng. 5 vòng đấu đầu tiên, đội bóng thủ đô chỉ giành vỏn vẹn đúng 1 điểm. Một khởi đầu được xem là tệ nhất trong 8 năm chơi bóng ở Toyota V.League của Hà Nội T&T.
16: Trợ lý Chu Đình Nghiêm được chỉ định vào chiếc ghế HLV trưởng Hà Nội T&T thay thế ông Phạm Minh Đức sau sự khởi đầu thất vọng. Đội bóng thủ Đô thực sự đã hồi sinh mạnh mẽ dưới bàn tay của chiến lược gia họ Chu. Trong lần đầu tiên nắm quyền HLV trưởng của một đội bóng tại V.League, ông Chu Đình Nghiêm mang về tới 16 chiến thắng/21 vòng.
28: Hà Nội T&T là đội bóng có số chiến thắng nhiều nhất ở Toyota V.League mùa bóng năm nay (16 trận). Nhà tân vương của giải đấu cũng là đội có hàng thủ tốt nhất giải khi chỉ thủng lưới 28 lần, bất chấp việc xuyên suốt mùa giải, Hà Nội T&T thường thiếu vắng hậu vệ vì chấn thương.
3: Với việc trở thành tân vương, Hà Nội T&T đã vươn lên trở thành CLB giàu thành tích thứ 2 trong lịch sử 16 năm V.League với tổng cộng 3 danh hiệu vô địch. Đội bóng thủ đô chỉ còn cách B.Bình Dương đúng một chiếc cúp nữa.
Bên cạnh đó, Hà Nội T&T cũng là đội bóng có chuỗi thành tích mùa giải ấn tượng nhất trong lịch sử V.League khi trong suốt 6 năm qua, họ liên tục cán đích trong top 2 của giải. Ngoài ra có một trật tự logic khá thứ vị là cứ sau 2 năm (tính từ 2010), Hà Nội T&T lại vô địch V.League.
2: Đây là lần đầu tiên trong lịch sử V.League chứng kiến đội lên ngôi vô địch nhờ hiệu số bàn thắng bại. Hà Nội T&T chỉ trở thành tân vương khi hơn Hải Phòng đúng 2 bàn thắng.
48.500: Hà Nội T&T vô địch V.League. Nhưng họ lại chưa thể vô địch trong trái tim người hâm mộ. Tính đến trước vòng 26 Toyota V.League, chỉ có 48.500 khán giả đến sân Hàng Đẫy theo dõi các trận đấu của Hà Nội T&T (theo thống kê từ BTC) – thấp nhất trong tổng số 14 sân vận động ở V.League.