Các sân Cẩm Phả, Thanh Hóa và Đồng Nai… giờ được coi là điểm đến mới của bóng đá Việt Nam, bên cạnh những “chảo lửa” đã có thương hiệu như Bình Dương, Chi Lăng, Vinh…
MỘT BIỂN NGƯỜI, MỘT TRÁI TIM CUỒNG NHIỆT
Với 986.500 lượt khán giả cả mùa, trung bình 7.046 người/trận, sân Cẩm Phả là SVĐ có lượng khán giả trung bình cao nhất V.League 2014 và không khí cuồng nhiệt có một không hai ở sân này là điểm nhấn đáng chú ý của mùa giải năm nay. Mỗi tấm vé, chỗ ngồi trên sân Cẩm Phả cũng là điều quý giá vào mỗi dịp cuối tuần. Có lúc 12.000 vé bán hết sạch chỉ sau 1 giờ đồng hồ và NHM nơi đây phải xếp hàng từ sáng. Thậm chí, dân phe vé từ Hà Nội cũng về Cẩm Phả “làm ăn” và cặp vé đắt nhất mùa giải năm nay cũng xuất hiện tại đây, với mức giá lên đến 2,8 triệu. Đó là điều chỉ có ở Cẩm Phả. Như chính các CĐV ở đây tâm sự, Quảng Ninh không chỉ tự hào về than, về vịnh Hạ Long, mà còn tự hào vì không khí bóng đá ở Cẩm Phả.
Vì yêu đội, Trịnh Mạnh Hùng – Phó Chủ tịch hội CĐV Than Quảng Ninh – đã ra sân Cẩm Phả vào đúng ngày cưới của mình mà trên người vẫn mặc nguyên bộ đồ chú rể. Các nghệ sĩ nổi tiếng như Hồ Quỳnh Hương, Ngọc Anh, Tô Minh Thắng… cũng thường xuyên về Cẩm Phả biểu diễn để tiếp lửa cho đội nhà và thậm chí còn sáng tác, thu âm riêng bài hát cho CLB. Tất cả những gì tốt đẹp nhất, NHM đều dành cho đội bóng quê nhà.
Những khán đài đông kịt khán giả, biển người mặc áo vàng đã trở thành thương hiệu và tấm băng rôn mang dòng chữ “Hào khí Lam Sơn” là đặc điểm nhận dạng không lẫn vào đâu được của các CĐV Thanh Hoá. Chính sự cuồng nhiệt và lực lượng đông đảo CĐV đã biến thành “Cơn lốc vàng” trên các khán đài để Thanh Hóa đánh bại cả B.BD, HN.T&T, SHB.ĐN… V.League 2014, sân Thanh Hóa thu hút 94.996 lượt CĐV, trung bình 8.636 người/trận. Với suy nghĩ đã được làm thành biểu ngữ “Cổ động viên là tài sản của CLB” thì về khía cạnh này, Thanh Hoá là đội bóng giàu có hàng đầu V.League 2014.
Không phải là đại gia trên sân cỏ nhưng sân Đồng Nai cũng là một địa chỉ đỏ của các CĐV vào mỗi dịp cuối tuần và trận đấu đông khán giả nhất của họ cũng đạt mốc 20.000 CĐV – bằng đúng sức chứa tối đa của sân. Sau mùa giải đầy thăng trầm, với vụ tiêu cực bị phanh phui của các cầu thủ, khán giả đến sân Đồng Nai đã giảm đáng kể. Nhưng với chiến dịch bàn tay sạch, sự ủng hộ của NHM, Đồng Nai sẽ trở thành chảo lửa thật sự ở mùa giải sau.
BẢN SẮC VÀ MỐI LƯƠNG DUYÊN DOANH NGHIỆP – NHÀ NƯỚC
Đội bóng nào giữ được bản sắc, hết mình với khán giả, đội bóng đó nhận được sự ủng hộ của nhân dân. Đó chính là điều tâm niệm của rất nhiều đội bóng và thực tế, những CLB có nhiều CĐV nhất đều theo “chiến thuật” này. Nếu không có những cầu thủ gốc Quảng Ninh như Vũ Minh Tuấn, Nguyễn Hải Huy, Huỳnh Tuấn Linh trong đội hình, nếu những cầu thủ tỉnh ngoài, nước ngoài không coi mảnh đất này là quê hương thì sân Cẩm Phả không thể đông như trẩy hội được. Cũng chính vì người địa phương nên các cầu thủ thi đấu với khát vọng, thái độ cống hiến hơn hẳn và đó là điểm cộng trong mắt NHM. Sự quyết liệt, tính cống hiến và chiến đấu hết mình là những yếu tố quan trọng để đưa NHM đến sân.
Khó khăn về kinh tế, các đội bóng phải kêu gọi tài trợ từ xã hội, từ các doanh nghiệp và điều này chính là sáng kiến quan trọng nhất. Các đội bóng bỗng nhiên trở thành CLB của nhân dân, của mọi nhà mà HLV, các cầu thủ như con em trong gia đình. Thế là họ đến sân cổ vũ và kêu gọi, truyền lửa nhiệt huyết cho bạn bè. Các CLB vừa có tiền tài trợ, vừa được tiếp thêm sức mạnh và có thêm hưng phấn. Có một điểm chung nữa ở cả 3 chảo lửa nóng bỏng nhất V.League là họ chưa hẳn đã là những đội bóng giàu có nhưng có Hội CĐV rất mạnh, với những con người nhiệt huyết làm người truyền lửa và lực lượng NHM rất cuồng nhiệt.
Khán giả mang lại nguồn cảm hứng cho các cầu thủ, cầu thủ mang lại niềm hứng khởi cho CĐV và bản thân những CĐV cũng mang lại niềm vui cho nhau, đó là cách các sân Cẩm Phả, Thanh Hóa và Đồng Nai giữ lửa, cùng với lối chơi máu lửa, những bàn thắng ngoạn mục, những chiến thắng thuyết phục và cả sự gần gũi của những người hùng.
Than.QN – nhà vô địch… bán vé
Tại V.League 2014, tân binh Than.QN là nhà vô địch… bán vé! Sự thể là sân Cẩm Phả đã trở thành một chảo lửa chật ních khán giả mỗi khi đội bóng đất Mỏ về nhà thi đấu. Doanh số bán vé của Than.QN nhỉnh hơn đôi chút so với B.BD, SHB.ĐN và là mơ ước của HN.T&T, ĐT.LA.
Đóng góp lớn, hỗ trợ nhiều
Ở các nền bóng đá phát triển, các CLB dù là chuyên nghiệp hay nghiệp dư đều nhận được sự hỗ trợ của chính quyền địa phương. Sự hỗ trợ có thể bằng tiền hoặc quyền sử dụng dài hạn cơ sở vật chất và khai thác thương mại trên SVĐ do địa phương quản lý (nếu CLB chưa có sân riêng). Chính quyền không “cào bằng” các khoản hỗ trợ cho các CLB. Căn cứ vào mức độ đóng góp cho phong trào thể thao hoặc quảng bá du lịch địa phương của mỗi CLB, chính quyền sẽ phân chia các gói hỗ trợ phù hợp. Ở Nhật, phần lớn các đội J-League 2 đều “tự nguyện” phát triển bóng đá học đường tại địa phương để hàng năm được chính quyền hỗ trợ tài chính.