VẪN “BÀ ĐỠ” CŨ
Hôm qua 8/9, tại trụ sở UBND tỉnh Nghệ An đã diễn ra cuộc họp giữa UBND tỉnh Nghệ An, Sở VH-TT& DL, Sở Tài chính, Sở Kế hoạch & Đầu tư, CLB SLNA… cùng đại diện của nhà tài trợ ngân hàng Bắc Á để bàn kế hoạch tìm kiếm, kêu gọi gói tài trợ mới cho SLNA.
Đây là cuộc họp rất được dư luận, truyền thông và đặc biệt là đông đảo các CĐV xứ Nghệ quan tâm vì kết quả sẽ ảnh hưởng tới hướng đi của SLNA trong những năm tới. Trong đó có vấn đề tài trợ từ Ngân hàng Bắc Á, vốn là đối tác 6 năm qua của SLNA, sẽ đáo hạn hợp đồng vào cuối mùa bóng năm nay.
Được biết, các bên liên quan đã được nghe báo cáo hoạt động, tài chính trong vòng 3 năm qua trong công tác đào tạo trẻ từ nguồn kinh phí 20 tỷ đồng/năm do UBND tỉnh Nghệ An rót xuống. Phần trọng tâm của cuộc họp chính là bàn về mối lương duyên giữa SLNA với Ngân hàng Bắc Á vốn sẽ kết thúc vào cuối mùa bóng 2015.
Dù chưa có văn bản chính thức nhưng theo nguồn tin riêng, đội bóng xứ Nghệ sẽ tiếp tục se duyên với ngân hàng Bắc Á thêm 3 năm từ 2016 đến 2018. Theo đó, mỗi năm ngân hàng Bắc Á sẽ tài trợ 30 tỷ đồng cho đội 1 SLNA ở đấu trường V.League.
TIẾP TỤC TÌM KIẾM NHỮNG ĐỐI TÁC MỚI
SLNA là đội bóng giàu truyền thống và có lực lượng CĐV hùng hậu ở Việt Nam. Tuy nhiên, sau chức vô địch V.League 2011, đội bóng xứ Nghệ đã không còn giữ được vị thế của mình do nguồn tài chính eo hẹp. Từ chuyện khó khăn về tiền bạc, SLNA đã bị “chảy máu” nhân tài, điển hình là Công Vinh, Trọng Hoàng, Văn Bình, Văn Hoàn… đã lần lượt rời xứ Nghệ.
Ở mùa giải năm nay, SLNA có đến 6 cầu thủ sắp hết hạn hợp đồng là Quang Tình, Minh Đức, Đình Đồng, Hoàng Thịnh, Thế Cường và Văn Vinh. Chính vì thế, đội bóng xứ Nghệ đang đứng trước nguy cơ mất thêm những trụ cột nếu không có tiền gia hạn hợp đồng.
Thực tế, ngoài ngân hàng Bắc Á, lãnh đạo CLB SLNA đang tích cực tìm kiếm những “bà đỡ” khác. Và SLNA cũng rất muốn đi theo con đường mà Thanh Hóa và Bình Dương đang rất thành công, đó là mô hình “xã hội hóa” bóng đá.
Tức là các đội bóng sẽ có nhiều doanh nghiệp cùng chung tay và nó sẽ hoạt động như một công ty cổ phần. Điều này không chỉ giảm gánh nặng cho đối tác chính, mà còn là cơ hội để các doanh nghiệp khác đầu tư và tạo dựng thương hiệu ở Nghệ An.
Thế nhưng, những vướng mắc cơ chế cũng như việc không có nhiều doanh nghiệp quan tâm, cho đến đến nay những bản kế hoạch vĩ mô này vẫn chưa thể thực hiện. Đây cũng là điều trăn trở không chỉ lãnh đạo CLB, BHL, cầu thủ mà còn đông đảo các CĐV xứ Nghệ khắp mọi miền đất nước.
Thương hiệu lớn chưa được khai thác hiệu quả
SLNA đã lên ngôi VĐQG các năm 2000, 2001 và 2011. Họ cũng giành 2 Cúp QG, 4 Siêu Cúp QG. Ở cấp độ bóng đá trẻ, U21 SLNA đã 5 lần vô địch U21 QG, 5 lần vô địch U19 QG, 7 lần vô địch giải U17 QG báo Bóng đá – Cúp Thái Sơn Nam, 1 lần vô địch U15 QG, 5 lần vô địch giải Thiếu niên và 2 lần vô địch giải Nhi đồng toàn quốc. SLNA đóng góp rất nhiều cầu thủ cho ĐTQG và họ cũng có lượng CĐV đông đảo nhất tại Việt Nam. Rõ ràng, SLNA là một thương hiệu lớn, nhưng lạ thay, thương hiệu ấy lại chưa giúp họ kiếm đủ tiền để nuôi chính mình.