Toyota V.League 2016 ngày khai mạc:
Ấn tượng của "cầu thủ số 12"

Vòng 1 đã chứng kiến những bàn thắng đẹp của Văn Thanh, Anh Đức hay Đình Tùng. Nhưng có lẽ, tuyệt phẩm giá trị nhất với các đội cũng như BTC giải lại được ghi bởi những “cầu thủ số 12”, khi có tới 70.500 người đến sân theo dõi các trận đấu. Đây là con số kỷ lục nếu so sánh với các vòng đấu khai mạc V.League 5 năm trở lại đây.

CON SỐ KỶ LỤC TRONG NỬA THẬP KỶ

Trước khi vòng 1 khởi tranh, nhiều người hoài nghi về tính hấp dẫn của Toyota V.League 2016. Họ còn đặt câu hỏi rằng liệu giải đấu có thể thu hút được nhiều người hâm mộ nữa hay không khi vắng bóng những “cục nam châm quý giá” Công Phượng, Tuấn Anh hay Xuân Trường?

Câu hỏi của họ là có cơ sở. Bởi chẳng nói đâu xa, so sánh vòng đấu đầu tiên được chơi trên sân nhà Pleiku ở mùa 2014 và 2015 của HA.GL thôi cũng là đủ. Năm 2014, chỉ 7.000 người chứng kiến thất bại 1-4 của đội bóng phố Núi trước Hà Nội T&T. Song chỉ 1 năm sau, có tới gấp đôi con số ấy đến cổ vũ cho chiến thắng 4-2 trước Sanna Khánh Hòa của lứa Công Phượng.

Song câu hỏi kể trên bước đầu cũng được đáp lại bằng một câu trả lời không thể thuyết phục hơn. 70.500 – đó là số người đã đến sân cổ vũ các trận đấu ở vòng 1 (trung bình tới 1 vạn người/trận). Đó là con số kỷ lục đối với một vòng khai mạc V.League trong vòng 5 năm qua.

Mùa giải 2012, chỉ có 42.000 khán giả đến sân ở vòng 1. Đến 2013 tăng lên 52.000 người để rồi 1 năm sau giảm xuống chỉ còn 46.000 cổ động viên. Năm 2015, những Công Phượng, Tuấn Anh, Xuân Trường giúp V.League được hâm nóng trở lại. Nhưng con số cũng chỉ là 53.500 người, kém gần 2 vạn cổ động viên nếu so với vòng khai mạc Toyota V.League 2016.

“TÍN HIỆU VUI NHƯNG CHƯA HÀI LÒNG”

Để có được một số lượng khán giả lớn tới kỷ lục như vậy không thể không nhắc đến vai trò của BTC giải cũng như các đội bóng. Xuyên suốt giai đoạn chuẩn bị cho mùa giải, ngoài những điểm mới như bóng thi đấu, công cụ chống tiêu cực từ xa, mua bảo hiểm đôi chân cho cầu thủ…

BTC giải cũng đã có nhiều sự thay đổi trong nội bộ cấu trúc thượng tầng. Điển hình nhất chính là việc đưa 3 đại diện của các đội bóng V.League được chọn theo trật tự Bắc – Trung – Nam (mùa này là của FLC Thanh Hóa, QNK Quảng Nam và Đồng Tháp) vào thành phần BTC để qua đó có thêm tiếng nói, hiểu được tâm tư, tình cảm từ phía các CLB.

Ngoài ra ngay ở vòng đấu đầu tiên, VPF đã phối hợp với các CLB để tổ chức chương trình rút thăm trúng thưởng, qua đó thu hút thêm sự quan tâm của các CĐV. “Ngay ở vòng 1, riêng VPF đã có phần thưởng là 2 chiếc điện thoại di động để tặng khán giả may mắn. Ở những vòng đấu kế tiếp, VPF sẽ cho triển khai thêm phần quà là phiếu giảm giá khi mua điện thoại”, ông Cao Văn Chóng – Tổng giám đốc VPF cho biết.

Song song với nỗ lực từ BTC giải là những công tác chuyên nghiệp đến từ các CLB tham dự. Những Long An, Đồng Tháp, HN.T&T hay Hà Nội… đã thực hiện rất tốt việc truyền thông, xây dựng hình ảnh, gắn kết cộng đồng, tổ chức thông tin đến với người hâm mộ. Bên cạnh đó là tính chất cạnh tranh, tham vọng và sự cống hiến khi ra sân của các đội bóng cũng được thể hiện ngay từ trước khi
V.League mùa giải mới bắt đầu.

Con số 70.500 khán giả tới sân theo dõi đã cho thấy bước đầu thành công của Toyota V.League 2016. “Song đó mới chỉ là tín hiệu vui ban đầu. Chúng tôi vẫn chưa hài lòng. BTC giải vẫn sẽ cần phải nỗ lực nhiều hơn nữa”, Tổng giám đốc Cao Văn Chóng của VPF chia sẻ.