Từ nỗi trăn trở với “tệ nạn pháo sáng”
Có rất nhiều ý kiến trái chiều trên công luận xung quanh bản án kỷ luật vừa qua liên quan tới trận đấu Hà Nội – Hải Phòng (3-1). Người thì đồng tình với Ban kỷ luật, vì cho rằng nếu BTC sân Hàng Đẫy của CLB Hà Nội nỗ lực hết sức, tiến hành theo dõi, giám sát và kiểm tra một cách gắt gao đối với những CĐV đến từ Hải Phòng (được phân bố khu vực riêng trên khán đài), đồng thời có phương án bố trí an ninh dày đặc ở khu vực khán đài của nhóm CĐV này, thì có lẽ đã giảm thiểu được cơn mưa pháo sáng. Bởi lý do ấy mà án kỷ luật cho họ tuy có “gắt” (phạt 70 triệu đồng kèm theo việc phải đá trận sân nhà tiếp theo không khán giả), nhưng sẽ vô cùng đáng nhớ và buộc CLB phải nỗ lực hơn để tìm ra giải pháp cho những “lần sau”. Nhưng cũng có người không tán thành, khi nhìn từ góc độ của những CĐV chân chính, đặc biệt là sự thiệt thòi của đội chủ nhà khi sẽ không có được sự cổ vũ của hội CĐV thủ đô, những người luôn biết tạo nên sự sôi động và cuồng nhiệt trên các khán đài mà vẫn giữ được hình ảnh đẹp. Chung quy là… tiếc, bởi trận “đại chiến” được cả giới bóng đá chờ đợi giữa Hà Nội FC (14đ, đang tạm xếp nhì bảng) với TPHCM (16đ, đang dẫn đầu bảng xếp hạng) sẽ diễn ra mà không có sự cổ vũ từ các CĐV. Hãy thử tưởng tượng, các cầu thủ đôi bên sẽ thi đấu trên sân trước các khán đài trống vắng, chỉ văng vẳng tiếng họ gọi nhau, tiếng các thành viên BHL đôi bên chỉ đạo… thì sẽ giảm đi biết bao hứng thú?
Nhưng khi sự tình đã như vậy thì cũng thật khó cho tất cả. Chẳng lẽ BTC sân Hàng Đẫy của Hà Nội lại có thể vô can khi xảy ra “cơn bão pháo sáng” đến như vậy? CĐV Hải Phòng gây ra thì rõ rồi, nhưng cũng chỉ là một số “con sâu” trong số hàng ngàn người mà thôi, đâu thể cấm tất cả khán giả Hải Phòng? Tất nhiên, đằng sau một bản án vẫn là sự trăn trở, trăn trở đến nhức nhối phải tìm ra giải pháp thỏa đáng, triệt để nhất.
Tới guồng quay của cuộc chơi
Dù sao, CLB Hà Nội vẫn không thể thay đổi bản án đã được tuyên, vì họ cũng không có gì thật sự thuyết phục để chứng minh cho nỗ lực ngăn chặn pháo sáng của mình ở trận gặp Hải Phòng vừa qua. Và vì thế, “trận cầu đinh” vẫn sẽ được sửa soạn trong tình thế sân không khán giả. Mất đi nguồn lực tinh thần ấy, yếu tố sân nhà của Hà Nội trở nên không còn đáng kể trước một TPHCM đang hừng hực khi thế. Không ai nghi ngờ vào sức mạnh của các nhà ĐKVĐ, nhưng chẳng phải họ vẫn có những trận cầu không thật đúng sức ngay trong mùa giải này, trước những đối thủ bị đánh giá dưới cơ, và trên các mặt trận khác nhau ư? Hà Nội đã toàn thắng cả 3 trận trên sân nhà đã qua, nhưng đấy là khi họ có cả vạn khán giả cổ vũ, còn cuộc đọ sức với TPHCM vào lúc 19g ngày thứ Bảy (27/4) này thì hoàn toàn khác.
Cùng ngày thứ Bảy, còn có 2 trận đấu khác giữa Quảng Nam gặp tân binh Viettel (cùng 6 điểm) và Sông Lam Nghệ An (13đ) gặp Dược Nam Hà Nam Định (6đ). Theo đó, cả 2 có cùng một nhận định là ưu thế rõ rệt sẽ thuộc về đội chủ nhà.
Tới ngày Chủ nhật (28/4), Hoàng Anh Gia Lai (6đ) vừa thua đậm tới 0-3 trên sân Quảng Nam sẽ trở về sân nhà để quyết đấu với Thanh Hóa (3đ) – đội vẫn đang nằm ở đáy bảng xếp hạng với chút lợi thế thuộc về đội bóng phố núi. Tại sân Cửa Ông, chủ nhà Than Quảng Ninh (10đ) – vòng trước vừa thắng đậm Sài Gòn tới 3-0, sẽ tiếp tục có cơ hội để thế bám đuối nhóm trên khi tiếp đối thủ Sanna Khánh Hòa BVN (5đ). Còn tại sân Thống Nhất, chủ nhà Sài Gòn (8đ) sẽ có trận đấu được đánh giá là “ngang tài ngang sức” với SHB.ĐN (6đ).
Trận đấu sớm nhất của vòng này sẽ diễn ra vào chiều thứ Sáu (26/4) trên sân Lạch Tray giữa Hải Phòng (10đ) gặp Becamex Bình Dương (7đ) với ưu thế đương nhiên được cho là sẽ nghiêng về đội bóng đất Cảng.