Cần chắc rằng, ngay cả một trận đấu giữa Than Quảng Ninh và một đội khách bình thường, sân Cẩm Phả cũng đầy ắp khán giả, chứ đừng nói trận derby vùng với Hải Phòng.
“Cũng như Hải Phòng, khán giả Quảng Ninh thực sự là cầu thủ thứ 12 để đội bóng tựa lưng vào chiến đấu. Trong những thời điểm khó khăn, khán giả còn là thứ vũ khí hạng nặng đem lại những chiến công”, Bùi Trọng Nghĩa, cựu cầu thủ Hải Phòng hiện đang chơi cho Than Quảng Ninh, chia sẻ.
Dylan Kerr đến Việt Nam với tư cách là một chuyên gia thể lực, thay vì một cựu cầu thủ từng đá giải hạng Nhất Anh quốc hay một HLV bóng đá. Điều đó khiến ông Kerr có phần bỡ ngỡ ở giai đoạn đầu nắm Hải Phòng nên nhiều phen phải “làm liều”. Dylan Kerr và đồng nghiệp bên kia chiến tuyến Đinh Cao Nghĩa có thể là sự khác biệt lớn nhất ở Cẩm Phả vào chiều nay trong việc bài binh bố trận trên sân.
“Tựa lưng vào khán đài để chiến đấu” là cụm từ ngày càng trở nên quen thuộc với một số đội bóng Việt Nam, trong đó có Hải Phòng và Than Quảng Ninh. “Lần đầu tiên trong sự nghiệp thi đấu, tôi được tận hưởng cảm giác chiến đấu bên cạnh người hâm mộ như thế nào. Khán giả là một đặc ân của bóng đá Hải Phòng và tôi tin rằng, khó thể tìm thấy ở một nơi nào khác”, ngày ra Hải Phòng chơi bóng, tiền đạo ĐTQG Nguyễn Quang Hải từng bồi hồi như thế.
Với sức chứa khá hạn chế (chỉ khoảng hơn một vạn khán giả), sân Cẩm Phả được cảnh báo sẽ “vỡ”, nếu công tác tổ chức và việc bán vé không đảm bảo khoa học. Sẽ chỉ có nhiều nhất 1/3 số vé được bán ra cho CĐV Hải Phòng, hoặc những khán giả trung lập.
Đó không phải là quy định, mà là luật bất thành văn và với một đội bóng mới chân ướt chân ráo lên chuyên như Than Quảng Ninh, nhà tổ chức hoàn toàn có thể khống chế vé xem, để ưu tiên cho người nhà, tức các CĐV ruột của họ.
Khi những khán đài được dự báo là sẽ sục sôi màu sắc cổ động thực sự, thì ở trên sân, những cái đầu sẽ quyết định sự thành bại của một cuộc chiến. Nhiều ngày qua, người ta đã nhắc nhiều đến một vài nhân tố người Hải Phòng đang chơi cho Than Quảng Ninh và ngược lại. Ví như Trọng Nghĩa, Văn Việt và cả Bật Hiếu (cựu cầu thủ Hải Phòng nhưng gốc Thanh Hóa)…, bên phía đội bóng vùng mỏ và Minh Châu cùng một số cái tên khác đứng ở bên này.
Nhưng có thể, chuyện đó cũng… không quan trọng. “Chỉ đơn thuần là một trận đấu bóng đá thôi mà và với Hải Phòng, thì trận nào chẳng giống trận nào?! Chúng tôi đã và chưa từng vào trận với tinh thần chủ hòa hay cầu bại.
Đấy là tính khí của người Hải Phòng và của bóng đá đất cảng. Tôi tin rằng, với sự hưng phấn hiện có, Than Quảng Ninh sẽ vào trận này với tinh thần rất cao”, Nguyễn Minh Châu, tiền vệ đội trưởng Hải Phòng nhưng lại là một người con của đất Quảng Ninh, phát biểu.
Dù được cấy vào đội hình khá nhiều cầu thủ từ Khánh Hòa sau khi nhận chuyển giao, nhưng Hải Phòng vẫn không hề mất đi chất thép. “Hải Phòng đó hiên ngang chỉ biết ngẩng đầu” và chính cái phong cách ấy đã từng khiến cho đoàn quân SHB.Đà Nẵng của HLV Lê Huỳnh Đức khóc thét vì những pha vào bóng thô ráp. Ông Đức đã quy kết phương pháp huấn luyện của HLV Dylan Kerr khiến cho bóng đá Hải Phòng trở nên xấu xí, chứ không chỉ chuyện riêng của cầu thủ.
Tùy Phong