Từ khi HLV Lê Thụy Hải trở lại với vai trò giám đốc kỹ thuật, B.Bình Dương đã không còn là “hổ giấy”. So với 4 lần trước, lần tái ngộ thứ 5 này của HLV Lê Thụy Hải không mấy ồn ào nhưng hiệu quả cao. Cách làm của ông phù hợp với cách quản lý mới của những người chịu trách nhiệm điều hành B.Bình Dương, nhất là Tổng Giám đốc Cao Văn Chóng.
Từ vị trí chót bảng sau 4 vòng đấu, chỉ giành vỏn vẹn 1 điểm và thua 3 trận, B.Bình Dương đã nhanh chóng lột xác khi ông Hải trở lại. Bằng màn tăng tốc đầy thuyết phục, B.Bình Dương đã giành 10 điểm ở 4 vòng đấu V.League liên tiếp, đồng thời thắng Tây Ninh để đoạt vé vào tứ kết Cúp Quốc gia. Trước cuộc chạm trán V.Ninh Bình trên sân nhà Gò Đậu ở trận đấu muộn nhất vòng 9 Eximbank V.League diễn ra chiều 24-3, B.Bình Dương đã tạm vươn lên xếp thứ tư, đặc biệt là đã có 3/4 trận đấu ghi từ 4 bàn thắng trở lên – một hiệu suất kinh hoàng cho mọi hàng thủ!
Nói về quyết định đưa HLV Lê Thụy Hải trở lại để làm hồi sinh đội bóng, Tổng Giám đốc B.Bình Dương Cao Văn Chóng cho biết: “Đội bóng không ngại tốn kém để đầu tư lại toàn bộ lực lượng. Tuy nhiên, ở vài vòng đầu, các cầu thủ chưa phát huy được thế mạnh, nhất là tâm lý thi đấu chưa ổn định. Khi chúng tôi quyết định mời anh Lê Thụy Hải về làm giám đốc kỹ thuật, những hạn chế đó đã được giải quyết. Từng vị trí trên sân thi đấu thanh thoát hơn, đội bóng dần dần đi vào quỹ đạo”.
Các mùa trước, dù không tiếc tiền chiêu mộ nhân tài nhưng những bất cập trong quản lý đã khiến B.Bình Dương thi đấu trầy trật, người hâm mộ cũng như lãnh đạo tỉnh nhiều lần thất vọng. Rút kinh nghiệm từ những bài học thấm thía nên khi được bổ nhiệm làm tổng giám đốc, ông Chóng lập tức điều chỉnh lại cơ chế quản lý theo mô hình chuyên nghiệp mà ông học hỏi từ Nhật Bản và Hàn Quốc.
Qua những vụ nổi loạn của các cầu thủ trụ cột trước đây như Như Thành, Chí Công hay Đình Đức, B.Bình Dương giờ đã rút ra được nhiều bài học. “Mọi hành vi của cầu thủ, từ thi đấu cho đến sinh hoạt, tập luyện và chính sách đãi ngộ đều được chúng tôi quy định cụ thể bằng hợp đồng, nội quy, quy chế, từ đó giúp ban huấn luyện quản lý cầu thủ khoa học hơn. Các cầu thủ cũng ý thức được nghề nghiệp của mình rõ ràng hơn, không còn cảnh nhận tiền một lần rồi thích thì đá, không thích thì nghỉ như trước” – ông Chóng cho biết.
Trừ HLV Lê Thụy Hải đã 70 tuổi, cả tập thể B.Bình Dương – từ lãnh đạo CLB cho đến các thành viên ban huấn luyện và cầu thủ – đều thuộc thế hệ trẻ trung, chịu khó đổi mới cách làm, cách nghĩ. Đó là nguyên nhân chính thúc đẩy ông Hải đồng ý trở lại giúp đội bóng cũ. Ông tin tưởng: “Anh Nguyễn Minh Sơn (chủ tịch HĐQT) là người rất tâm huyết, anh Chóng trẻ nhưng rất có năng lực. Đội bóng đã chuyển biến tích cực, cơ cấu tổ chức giúp đội hoạt động có ý thức chuyên nghiệp hơn. Các cầu thủ hiện nay đều có thực lực nên tôi bảo với họ rằng nếu đá đúng vị trí và khả năng thì chẳng sợ đội nào hết!”.
Minh Ngọc