Nói thế để thấy, bóng đá không thể tách rời yếu tố địa phương. Ở một nền bóng đá phát triển cao như Nhật Bản, yếu tố địa phương vẫn rất đậm đặc. Ở đó, chính quyền địa phương là một trong những cổ đông chính và nó đảm bảo bản sắc cho đội bóng.
Với một nền bóng đá vẫn đang trong quá trình hoàn thành mục tiêu lấy đá bóng nuôi bóng đá như Việt Nam thì đòi hỏi sự tự chủ về tài chính một cách tuyệt đối là bất khả. Nên nhớ rằng, những đội bóng doanh nghiệp như B.BD, HN.T&T vẫn luôn dựa rất nhiều vào địa phương trong quá trình hoạt động và phát triển.
Nhìn rộng ra toàn V.League, những đội bóng ổn định và có bản sắc nhất phần nhiều được quyết định bởi yếu tố địa phương. Tại CLB Than Quảng Ninh, một trong những nguồn tiền quan trọng nhất nuôi đội bóng đến từ tỉnh Quảng Ninh. Ở Thanh Hóa, lãnh đạo tỉnh tạo ra cơ chế tốt về tài chính để Chủ tịch CLB Nguyễn Văn Đệ luôn có sự dồi dào về tiền bạc.
Vai trò rất lớn của địa phương ở đội bóng không đồng nghĩa với quá trình chuyên nghiệp hóa bị chậm lại. Nói cách khác, khi các CLB vẫn chưa thể tự sống thì cần có sự định hướng và quan tâm thiết thực của địa phương. Bởi, nói như một lãnh đạo thành phố Cẩm Phả: “Không có bóng đá thì người ta chỉ biết Cẩm Phả có than. Mà than thì bụi bặm, tất tả. Có bóng đá, thương hiệu của thành phố, của tỉnh được lan tỏa đi khắp nước. Vậy nên, chúng tôi có trách nhiệm xây dựng một đội bóng mang bản sắc của địa phương, vì địa phương!”.
Vậy mới nói, ở V.League lúc này, muốn thành công thì phải có bản sắc. Muốn có bản sắc thì phải ổn định. Mà ổn định chỉ có được khi biết dựa vào hoặc là ông chủ giàu có, hoặc là địa phương quan tâm.