Hôm 27/8, Dylan Kerr xác nhận việc chia tay Hải Phòng dù vừa cùng đội bóng thành phố cảng giành Cup quốc gia 2014. Nguyên nhân được cho là thành tích bất ổn của Hải Phòng tại V.League mùa vừa qua. Cách đó chưa lâu, Choi Yoom Gyum cũng nhận quyết định sa thải của Hoàng Anh Gia Lai. Sở hữu dàn cầu thủ nội đồng đều nhưng đội chủ sân Pleiku chỉ đứng thứ chín chung cuộc – vị trí thấp nhất của họ trong lịch sử tham dự V-League. Choi ra đi như một sự tất yếu sau ba năm cầm đội.
V.League 2014 vừa qua quả là mùa giải kỳ lạ khi các đội bóng tỏ ra không còn mặn mà với việc thuê thầy ngoại. Điều đó trái ngược với bối cảnh của dăm bảy năm trước.
Kể từ lúc HLV ngoại đầu tiên là Jules Arcorsi (Pháp) dẫn dắt Công an TP HCM vào mùa giải bán chuyên nghiệp 1998 đến nay đã có 40 HLV ngoại từng làm việc tại giải đấu cao nhất của bóng đá Việt Nam.
Xu thế mời HLV ngoại trở thành thói quen thời thượng với các CLB tại V-League, nhất là thời điểm các doanh nghiệp, tập đoàn đổ xô đầu tư vào bóng đá từ năm 2003. Đỉnh cao nhất ở mùa giải 2004, ngoài năm CLB dùng HLV ngoại ở V-League (Bình Dương, Hoàng Anh Gia Lai, Đồng Tâm Long An, Đà Nẵng, Hải Phòng), bốn đại diện hạng Nhất cũng ưu tiên thuê HLV nước ngoài (Folha (đội Huda Huế), Terry Welton (Cần Thơ), Joachim Fickert (An Giang), Luiciano Aboue (Khánh Hòa).
Chịu chơi nhất trong khoản này là Đồng Tâm Long An với 10 đời thầy ngoại trong tổng cộng 12 lần thay tướng trong lịch sử. Đỉnh điểm là mùa giải 2011, khi họ liên tiếp thay ba HLV ngoại Marcelo Zuleta – Marco Barbosa – Simon McMenemy chỉ trong thời gian ngắn.
Đa số các đội mong muốn tìm HLV ngoại giỏi chuyên môn, nhưng đời sống bóng đá nội có quá nhiều trở lực để họ thành công. Ngoại trừ Arjihan Somgamsak ở Hoàng Anh Gia Lai và Henrique Calisto tại Đồng Tâm Long An thành công nhờ khả năng “Việt hóa” để hiểu rõ hậu trường bóng đá Việt Nam, đa phần các HLV còn lại chỉ mang đến thất vọng.
Alfred Riedl dẫu có nhiều năm dẫn dắt đội tuyển Việt Nam vẫn bất lực nhìn CLB Khánh Hòa rớt hạng năm 2001, Lajos Detari – một trong những cựu cầu thủ vĩ đại bóng đá Hungary – không cứu nổi Hà Nội.ACB năm 2003. Cộng sự thân tín của Jose Mourinho – Ricardo Fomosinho – cũng thất bại trong thời gian cầm quân tại Đồng Tâm Long An rồi Bình Dương. Giảng viên HLV của Liên đoàn bóng đá châu Á Robert Lim cũng ra đi không kèn không trống chỉ thời gian ngắn cầm sa bàn chỉ đạo tại Ninh Bình.
Đó là một phần lý do, bên cạnh sự suy thoái tài chính, khiến trào lưu HLV ngoại dần trầm lắng. Đa số các đội trở lại dùng HLV bản địa, ngay cả Đồng Tâm Long An hay Bình Dương cũng trở lại với “hàng nội” trong hai mùa gần đây. Hai đội vừa sa thải HLV là Hải Phòng và Hoàng Anh Gia Lai cũng tính phương án nói “không” với thầy ngoại trong thời gian tới.
Chưa bao giờ HLV ngoại lại thất thế trước các thầy nội tài năng và giàu kinh nghiệm như Lê Thụy Hải, Mai Đức Chung, Phan Thanh Hùng, Lê Huỳnh Đức, Nguyễn Hữu Thắng… như lúc này.
Biến động HLV ngoại qua các mùa V.League:
+ V-League 2014: Dylan Kerr (Anh-Hải Phòng) – Choi Yoom Gyum (Hàn Quốc-HAGL)
+ V-League 2013: Cho Yoon Hwan (Hàn Quốc-B.Bình Dương) – Choi Yoom Gyum (Hàn Quốc-HAGL) – Francisco Vital (BĐN), Marcelo Zuleta (Argentina-ĐTLA)
+ V-League 2012: Ranko Buketa (Croatia – ĐTLA) – Cho Yoon Hwan (Hàn Quốc-B.Bình Dương) – Choi Yoom Gyum (Hàn Quốc-HAGL)
+ V-League 2011: Dusit (Thái-HAGL) – Mauricio Luis (Argentina-Hà Nội.ACB) – Ricardo Formosinho (BĐN-B.Bình Dương) – Marcelo Zuleta (Argentina), Marco Octavio Barbosa (Brazil), Simon McMenemy (Anh-ĐTLA).
+ V-League 2010: Kiatisuk (Thái-HA.GL) – Luis Rodrigues (BĐN-B.Bình Dương) – Ricardo Formosinho (BĐN), Marcelo Zuleta (Argentina-ĐTLA) – Tavares (Brazil), Robert Lim (Singapore-V.Ninh Bình) – Nicolau Vasquerio (BĐN-Hà Nội.T&T).
+ V-League 2009: Dusit, Chatchai Paholpat (Thái-HAGL) – Francisco Vital (BĐN-B.Bình Dương) – Jose Luis (BĐN-ĐTLA), Alfred Riedl (Áo-XM.Hải Phòng) – Viczko Tamas (Hungary-Thể Công).
+ V-League 2008: Stephen Hanson (Thụy Điển), Adnaldo De Melo Patricio (Brazil), H.Calisto (BĐN-ĐTLA) – Anant Amornkiat, Dusit (Thái-HAGL) – Gyorgy Galhidi (Hungary-Thể Công) – Viczko Tamas (Hungary-Hòa Phát.HN) – Alfred Riedl (Áo-XM.Hải Phòng).
+ V-League 2007: Anant Amornkiat (Thái-HAGL) – Laszlo Kleber (Đức) – Luis Alberto (Brazil-XM.Hải Phòng) – H.Calisto (BĐN-ĐTLA)
+ V-League 2006: Kiatisuk, Chatchai Paholpat (Thái Lan-HAGL) – H.Calisto (BĐN-ĐTLA) – Arjihan Somgamsak (Thái-Bình Định) – HLV David Booth (Anh- K.Khánh Hòa).
+ V-League 2005: Arjihan Somgamsak (Thái-HAGL) – Luis Alberto (Brazil-M.H.Hải Phòng) – H.Calisto (BĐN-ĐTLA) – Otavio Fiho (Brazil-SLNA từ chức trước giải 1 tháng) – Renard Herve (Pháp-Nam Định).
+ V-League 2004: Nam Dae Shik (Hàn Quốc-B.Bình Dương) – Arjihan Somgamsak (Thái-HAGL) – H.Calisto (BĐN-ĐTLA) – Gary Phillips (Úc), Kenneth Morton (Anh-Đà Nẵng) – Dominique Fernandez (Pháp-Hải Phòng).
+ V-League 2003: Arjihan Somgamsak (Thái Lan-HAGL) – H.Calisto (BĐN-ĐTLA) – Lajos Detari (Hungary-Hà Nội.ACB) – Francisco Vital (Bồ Đào Nha-Ngân hàng Đông Á) – Branko Radovic (Serbia-Thể Công).
+ V-League 2002: Mastaler (Ba Lan-Đà Nẵng) – Luciano de Aboue (Brazil-Bình Định).
+ V-League 2001: Alfred Riedl (Áo-K.Khánh Hòa).
+ Giải bán chuyên nghiệp 1999-2000: Tề Sùng Lập (Trung Quốc-Vĩnh Long), Jules Arcorsi (Pháp-CA TP HCM).
+ Giải bán chuyên nghiệp 1998-1999: Jules Arcorsi (Pháp-CA TP HCM).