Một quy tắc vàng mà bất kỳ ai trong giới kinh doanh từ xưa đến nay cũng đều nằm lòng: “Khách hàng là thượng đế”. Sở dĩ gọi câu nói ấy là quy tắc vàng bởi nó được xem là thước đo chuẩn mực nhất cho sự khởi đầu cũng như đánh giá thành công hay thất bại của mọi loại hình kinh doanh. Có cung ắt có cầu. Và khách hàng chính là người quyết định sau cùng trong quy luật cung cầu ấy.
Bóng đá cũng không nằm ngoại lệ. Các ông bầu và BTC giải luôn tìm mọi cách để phục vụ, để lôi kéo người hâm mộ đến xem càng nhiều càng tốt. Bởi sự hiện diện của họ là thước đo chính xác nhất cho giá trị, sức hút và doanh thu của mọi giải đấu trên khắp toàn cầu. Giải Ngoại hạng Anh mỗi năm thu về hàng tỷ bảng, từ tiền bán áo đấu, tiền bản quyền hình ảnh CLB, tiền bán vé hay bản quyền truyền hình… Sau cùng thì người mang đến cho giải đấu xứ mù sương khoản tiền khổng lồ ấy chính là CĐV, những khách hàng trung thành luôn dõi theo chuyển động của các CLB yêu thích từ tháng này sang tháng khác, mùa giải này tới mùa giải sau.
Trở lại với V.League, một câu hỏi mà ông bầu các CLB lẫn BTC giải luôn đau đáu trong suốt 15 năm qua: “Điều gì để các trận đấu V.League có thể thu hút thật nhiều khán giả?”. Thừa nhận một điều sức hút quá lớn từ những giải đấu hàng đầu châu Âu khiến một bộ phận người Việt vô tình lãng quên đi V.League. Thế nhưng khi có một lý do đủ sức thuyết phục, người hâm mộ sẵn sàng bỏ tiền bỏ của để cổ vũ hết mình cho đội bóng mình yêu thích.
Vậy lý do thuyết phục ấy là gì? Đầu mùa bóng này, thực sự người hâm mộ đã phát cuồng với những cầu thủ trẻ từng thành danh trong màu áo U19 Việt Nam của HA.GL. Việc đôn lứa Công Phượng, Tuấn Anh, Xuân Trường… của bầu Đức đã mang đến cho V.League một thanh nam châm “hút” một số lượng lớn khán giả đến sân. Ở bất cứ nơi nào có sự góp mặt của HA.GL là ở nơi đó chật kín người hâm mộ. Song cũng phải khẳng định một điều, HA.GL cũng chỉ là hiệu ứng. Mà đã là hiệu ứng thì sẽ có thời điểm tàn suy. Phong độ không tốt và sự non nớt của lứa cầu thủ mới ra ràng khiến HA.GL dần dà không còn thu hút nhiều CĐV nữa. Và bằng chứng rõ nhất chính là những chỗ trống trên sân Pleiku chiều qua với số lượng người mua vé vào sân thưa thớt đi nhiều.
Quay trở lại câu hỏi ban đầu, yếu tố nào cốt lõi nhất để thu hút CĐV? Câu trả lời đơn giản nhưng ý nghĩa: tính địa phương và tinh thần dân tộc. Manchester United là một trong số những CLB có số lượng CĐV lớn nhất toàn cầu. Nhưng ở Anh, vẫn có rất đông người hâm mộ yêu Bournemouth, yêu Southampton hay Norwich. Đó đơn thuần là bởi tính chất địa phương. Người ta yêu đội bóng quê hương họ, yêu những cầu thủ gắn bó sự nghiệp và cuộc đời với mảnh đất ấy chứ không phải lý do đội bóng đó mạnh hay sở hữu những chân sút đắt giá.
Một lần nữa nói về V.League. Sân Hàng Đẫy vốn luôn bị xem là nơi có số người đến xem ít nhất giải, nơi thường bị nhuộm một màu xanh nhàm chán của… các hàng ghế thì bỗng nhiên hôm qua, nó được phủ lên bởi một màu vàng đầy hy vọng. 16.000 khán giả đến sân, một con số đông kỷ lục mà Hàng Đẫy chưa từng được chứng kiến suốt mùa giải này. Nhưng cần nhấn mạnh một điều, chiếm số lượng lớn trong gam màu vàng ấy là của CĐV SLNA với 7.000 người đủ sức lấp trọn vẹn nguyên một khán đài. Tinh thần đoàn kết, gắn bó và đùm bọc lẫn nhau luôn được xem là phẩm chất quý giá của con người xứ Nghệ. Và bất cứ nơi nào đội bóng quê hương thi đấu là ở đó có sự ủng hộ của người “quê Choa” khắp tứ xứ.
Sự cuồng nhiệt, máu lửa của người Nghệ An tại thủ đô suốt ngày hôm qua vô tình cũng chạm đến lòng tự ái của người Hà Nội. Con số 9.000 CĐV thủ đô đến sân Hàng Đẫy chiều qua cũng phần lớn là vì lý do ấy. Họ có thể không hẳn là CĐV ruột của Hà Nội T&T, họ có thể cũng chỉ muốn thưởng thức bầu không khí sôi động hiếm thấy tại Hàng Đẫy trong một chiều Chủ Nhật những cũng không phủ nhận một điều, nhiều người hâm mộ trong số đó muốn chứng minh rằng tình yêu bóng đá của thủ đô, sự cuồng nhiệt dành cho đội bóng nơi này cũng chẳng kém tinh thần của người dân xứ Nghệ.
Nếu CĐV SLNA nổi tiếng với sự cuồng nhiệt vì tinh thần tương thân tương ái thì người hâm mộ Quảng Ninh được biết đến với phong cách chuyên nghiệp chẳng kém gì những hội CĐV của các đội bóng trên thế giới. Màu xanh – màu truyền thống của đội bóng đất Mỏ được phủ khắp từ các trận đấu tại Cẩm Phẩ cho đến những chuyến hành quân hàng ngàn cây số xuống Bình Dương, Long An hay Đồng Tháp. Đặc biệt hơn, tình yêu của người dân Quảng Ninh còn được chuyên nghiệp hóa với những cách ăn mừng, từ điệu nhảy quay lưng poznan theo kiểu CĐV Man City đến “sóng người” trào dâng trên khán đài được tổ chức quy củ và đẹp mắt.
Chất địa phương chính là yếu tố cốt lõi và lâu bền tạo nên sức hút và tình yêu cho người hâm mộ. Người viết vẫn còn nhớ như in câu nói của một cậu bé 10 tuổi trên sân Lạch Tray trong trận đấu giữa Hải Phòng và HA.GL ở vòng 4 V.League: “Em đến để cổ vũ cho Hải Phòng, đội bóng quê hương em chứ không phải là Công Phượng, Tuấn Anh, hay Xuân Trường”…
Giá trị của người hâm mộ, những người luôn được xem là “cầu thủ số 12” của đội bóng nằm ở như vậy. Đó không phải là thứ không phải trên trời rơi xuống, cũng không phải thứ mà tiền có thể mua được. Sự cuồng nhiệt của người hâm mộ đến từ tình yêu đội bóng quê hương và ngược lại, những CLB đó cũng chơi hết mình để đáp lại tấm thịnh tình cao quý ấy.