Ngày T3 (3/11), lần lượt diễn ra 3 trận.
Tại SVĐ Gò Đậu, đội chủ nhà Becamex Bình Dương (24đ) gặp Hoàng Anh Gia Lai (20đ), đội duy nhất đã toàn thua cả 5 trận đã qua tại GĐ2 (kết quả khiến rất nhiều người thất vọng). Phong độ của B.BD cũng không cao (thua 2, hòa 1 trong 3 trận gần đây), nhưng lợi thế sân nhà khiến nhiều người có lẽ vẫn sẽ nghiêng về đội bóng đất Thủ, nhất là khi họ vẫn có mục tiêu khá rõ ràng là lọt vào tốp 5 đội dẫn đầu. Trong khi ấy, HA.GL đang gây thất vọng khá lớn khi trình diễn một diện mạo nhạt nhòa, chơi thiếu hiệu quả trong cả công lẫn thủ, thậm chí có cảm giác thiếu cả chất “lửa” cần thiết trong các trận đấu ấy. Lượt đi đôi bên hòa 1-1 cũng tại sân Gò Đậu. Nhưng khi ấy, “khí thế” của HA.GL cũng khác. Thêm vào đó, sự thiếu vắng thủ thành Bửu Ngọc cũng có thể sẽ ảnh hưởng tới hàng phòng ngự của HA.GL nếu phía B.BD quyết thắng.
Tại SVĐ Thống Nhất diễn ra cuộc “tái đấu” giữa Hồng Lĩnh Hà Tĩnh (20đ) với TPHCM (24đ). Ở lần đối đầu tại giai đoạn 1, tân binh HLHT đã giành trọn 3 điểm trước đội đương kim Á quân – CLB TP.HCM. Tuy đã sớm hoàn thành mục tiêu trụ hạng, không thắng trận nào kể từ đầu giai đoạn 2 (hòa 2, thua 3), nhưng thầy trò HLV Phạm Minh Đức vẫn cho thấy tinh thần thi đấu rất đáng khen ngợi. Họ không hề chơi bóng kiểu buông xuôi ngay cả khi gặp những ứng cử viên vô địch như Sài Gòn, Hà Nội hay Viettel (đều chỉ thua sát nút). Bởi vậy, dù thực lực của CLB TPHCM được đánh giá cao hơn, nhưng nếu tiếp tục thể hiện được lối chơi chặt chẽ và máu lửa thì HL.HT vẫn là đối thủ “xương” đối với TPHCM.
Trận cầu tâm điểm trong ngày diễn ra giữa Viettel (35đ, đang dẫn đầu) – Than Quảng Ninh (31đ, xếp thứ 4). Trong khi đội chủ nhà tràn đầy khí thế hướng tới ngôi vô địch đầu tiên trong lịch sử thì TQN cũng chưa tắt hy vọng cạnh tranh vào tốp 3. So về thực lực, Viettel đương nhiên mạnh hơn rõ rệt với dàn cầu thủ rất chất lượng, trong đó có nhiều tuyển thủ quốc gia cũng như 2 ngoại binh chơi bóng vừa kỹ thuật, vừa giàu sức mạnh ở tuyến trên. Than Quảng Ninh vốn cũng không phải yếu, nhưng họ đang thiếu đi 1-2 cầu thủ dày dạn có khả năng dẫn dắt lối chơi (kiểu như Nghiêm Xuân Tú), cũng thiếu đi nhân tố tạo đột biến về mặt thế trận (tài năng trẻ Hai Long rất triển vọng, nhưng cũng cần thêm thời gian để đạt sự ổn định). Trận thua Sài Gòn ở vòng trước phần nào cho thấy rõ điều ấy. Bởi vậy, dù từng thủ hòa Viettel 1-1 ở giai đoạn 1 (cũng trên sân Hàng Đẫy) thì đội khách vẫn sẽ bị đánh giá thấp hơn ở trận đấu này.
“Nóng” nhất vòng này, cũng tại SVĐ Hàng Đẫy là cuộc so tài hứa hẹn vô cùng hấp dẫn giữa ĐKVĐ Hà Nội (33đ) và “kẻ thách thức” Sài Gòn FC (34đ) vào ngày 4/11. Sài Gòn trở thành một “kẻ thách thức” theo đúng nghĩa tại mùa giải năm nay (đã giành ngôi vô địch “lượt đi”). Sau sự khởi đầu như mơ tại giai đoạn 1, lối chơi của Sài Gòn có vẻ đã bị các đối thủ “bắt bài”. Nhưng việc liệu Viettel hay Hà Nội có thể ngăn được thầy trò HLV Vũ Tiến Thành hay không lại là chuyện khác, bởi khoảng chênh vỏn vẹn 1 điểm quá mong manh, có thể xáo trộn chỉ sau 2 trận còn lại. Xét về bối cảnh, Hà Nội gần như phải thắng ở trận này nếu không muốn đánh mất quyền tự quyết (trận cuối gặp Than Quảng Ninh trên sân đối phương).
Giới mộ điệu hẳn còn chưa quên trận thua 0-1 của Hà Nội trước Sài Gòn cũng tại đây ở vòng 7 của giai đoạn 1, một trận đấu trong bối cảnh HN vắng nhiều trụ cột. Tình hình có vẻ đã khác nhiều so với thời điểm ấy, Hà Nội vẫn cho thấy phong thái của một nhà vô địch khi có sự vươn lên mạnh mẽ và thêm một lần trở lại cuộc đua vào giai đoạn cuối mùa. Đương nhiên, Sài Gòn cũng rất muốn thắng, bởi nếu hòa mà Viettel thắng ở trận này thì khả năng họ cũng sẽ mất quyền tự quyết khi đối đầu “đại kình địch” trên ở trận cuối. Sự thiếu vắng “máy quét” Tấn Tài và trung vệ Thành Chung là một thiệt thòi đáng kể về lực lượng cho Hà Nội ở trận này khiến cục diện trận đấu khó lường hơn, dù xét về toàn cục thì nhiều người hẳn vẫn sẽ hơi nghiêng về đội chủ nhà.