Khi Toyota V.League dần trôi tới vòng đấu cuối cùng, những nghi án tiêu cực lại xuất hiện. Hàng loạt trận đấu bị “điểm mặt, chỉ tên”, phóng viên Thể thao & Văn hóa đã có cuộc trao đổi với ông Nguyễn Minh Ngọc Trưởng BTC giải về vấn đề này.
* Thưa ông, VPF đã hành động như thế nào để chống tiêu cực trong mỗi vòng đấu?
– Trước một vòng đấu, có rất nhiều vấn đề BTC phải dự đoán: An ninh, an toàn, khán giả… Chúng tôi sẽ phải cử thành viên BTC đi quán triệt với các đội bóng, với các trọng tài về mọi vấn đề trong và ngoài trận đấu.
Hiện tại, chúng tôi đang cũng nhận được sự hỗ trợ rất tốt từ phía các CLB. Bản thân các CLB cũng phải phòng chống tiêu cực từ nội tại. Nội bộ người ta không ổn định, người ta không thi đấu được.
BTC cũng luôn có những phương án bảo vệ. Chúng tôi luôn giữ liên lạc với các lực lượng công an, cảnh sát cơ động để đảm bảo an ninh, an toàn, PA83 vẫn hỗ trợ chúng tôi về an ninh nội bộ, xử lý các nguồn tin, giao thiệp báo chí… Ngoài ra, chúng tôi cũng hợp tác với VFF cùng C45 và các đơn vị phòng chống tội phạm trật tự xã hội khác. Dù rất âm thầm, chúng tôi vẫn đang hành động.
Chống tiêu cực phải là nhiệm vụ từ nhiều phía chứ không chỉ từ BTC. Bản thân các CLB cũng phải phòng chống, phải giáo dục cầu thủ. Một mình BTC đứng ra hô hào, gào thét thì không bao giờ có thể thực hiện được. Ở đây, chúng ta đòi hỏi sự cộng đồng trách nhiệm, tất cả mọi người cùng làm cho bóng đá đẹp, cho bóng đá hay và phát triển.
* Dư luận cho rằng trận Đồng Nai – Thanh Hóa ở vòng 21 có “mùi” tiêu cực. Ông nghĩ sao về nhận định này?
– Tôi đã trực tiếp có mặt ở sân Đồng Nai hôm đó. 10.000 khán giả Thanh Hóa cũng có mặt ở đó, có truyền hình, có báo chí, có khán giả. Bóng đá có tính kỵ giơ. Bóng đá không phải là toán học, không thể nói A lớn hơn B hay B lớn hơn C.
Trận hôm đó rất đáng tiếc, 14h chiều Đồng Nai mới thông báo là họ không truyền trực tiếp trận đấu được do tỉnh Đồng Nai có một sự kiện lớn khác. Chúng tôi rất tiếc bởi hôm đó có 19.000 khán giả trên sân. Đó là trận cầu đông nhất của Đồng Nai từ đầu mùa mà lại không được truyền hình trực tiếp. Nếu nó được truyền trực tiếp, mọi người sẽ đỡ đi bao nhiêu nghi ngờ.
* Vậy còn giả thiết cho rằng các đội bóng ở V.League đang giúp Đồng Nai để đưa HAGL xuống hạng?
– Tôi khẳng định luôn là không có ai đánh hội đồng ai cả. Mỗi đội bóng phải tự cứu lấy mình thôi. Bản thân Đồng Nai cũng còn phải gặp HAGL. Không thể có chuyện các đội khác nhường điểm cho Đồng Nai.
* Vậy còn trọng tài thì sao? Họ đứng ở đâu trong câu chuyện này?
– Về vấn đề trọng tài, chúng tôi cần sự đồng cảm và cái nhìn khách quan của người xem, của báo chí và lãnh đạo các CLB. Ở trên sân, có khi chỉ mải quay sang nói chuyện với người bên cạnh là tình huống đã trôi qua, mình cũng không biết được.
Vậy mà chúng ta đòi hỏi trọng tài vừa di chuyển, vừa đưa ra một quyết định kịp thời, chính xác, đảm bảo được tất cả mọi thứ.
Với chế độ làm việc, các ưu đãi hiện nay, công việc trọng tài so với các nghề nghiệp khác đã là một mức khá. Với các chế độ cộng chi phí ăn uống, đi lại, tôi nghĩ các trọng tài đã có đủ mức sống.
Chẳng ai đi đánh đổi sự nghiệp của mình vì những chuyện vớ vẩn ấy. Từ đầu mùa giải tới giờ, các trọng tài cũng đã cố gắng làm tốt với tinh thần trách nhiệm cao.