Vai trò nổi bật của tân binh Toyota V.League 2015:
Những con số không tưởng!

Hai vòng đấu đầu tiên Toyota V.League 2015, các tân binh đã đóng góp cả thảy 22/43 bàn thắng, chiếm hơn 51%. Đây là số liệu thống kê cao chưa từng có trong lịch sử V.League và cho thấy phương pháp tuyển chọn, ký hợp đồng mới của các CLB đang có hiệu quả.

SIẾT CHẶT QUY TRÌNH TUYỂN NGOẠI BINH
Việc hạn chế các ngoại binh (từ đăng ký 4 cầu thủ đá 3, đăng ký 3 đá 3 và đăng ký 2 đá 2) khiến các đội bóng phải cẩn trọng hơn, chỉn chu hơn trong việc tuyển chọn, thử thách và thậm chí, đạo đức và tính cách của họ cũng được tính tới. Đơn giản bởi, việc được đăng ký ít ngoại binh khiến các đội bóng đối mặt với nguy cơ cao hơn do một sự lựa chọn nhầm có thể dẫn tới hậu quả khôn lường, đối diện với mùa giải thất bại. Chẳng thế mà, quy trình tuyển ngoại binh bây giờ được các CLB chia ra thành rất nhiều công đoạn, tiến hành rất bài bản để chọn từ hàng trăm cái tên được giới thiệu ra 20-30 người được thử việc và cuối cùng, chỉ lấy 1-2 người để chinh chiến tại Toyota V.League 2015.

Chế độ thưởng – phạt tùy vào thành tích thi đấu cũng giúp các đội bóng V.League sử dụng ngoại binh hiệu quả hơn. Ví dụ như chuyện tiền đạo Aboubakar của SLNA chỉ nhận mức thù lao 300 USD/tháng cho thời gian thử việc nhưng khi chứng tỏ được bản thân bằng cú đúp vào lưới SHB.ĐN ở vòng 2, mức lương dành cho anh lập tức điều chỉnh lên 1.500 USD/tháng. Dù không cao so với mặt bằng lương ngoại binh ở V.League nhưng chừng đó là phần thưởng đầy sức khích lệ với Aboubakar bởi nó cho phép tiền đạo này chi tiêu thoải mái hơn tới 5 lần!

Đã qua rồi cái thời các hợp đồng được ký bởi danh tiếng! Các CLB V.League bây giờ coi trọng khả năng thực địa, phong độ trên sân và đặc biệt là tự mình kiểm tra y tế. Ngay cả một tên tuổi từng giành danh hiệu Vua phá lưới V.League như Timothy cũng nằm trong diện thanh lý hợp đồng của Thanh Hóa một khi không chứng tỏ được trong 2 vòng đấu. V.League ngày càng khắc nghiệt với ngoại binh hơn, chứ không còn là mảnh đất dễ kiếm tiền như trước nữa.

CHUYỂN NHƯỢNG NỘI MẠNG VÀ TIẾNG GỌI QUÊ HƯƠNG
Xu hướng chuyển nhượng nội mạng diễn ra trong những năm qua nhưng đặc biệt mùa giải năm nay lại là giải pháp được các đội bóng yêu thích. Lựa chọn các cầu thủ đã thi đấu ở Việt Nam luôn đảm bảo được biên độ an toàn bởi phong độ của họ được chứng tỏ trong một thời gian dài và những yếu tố liên quan đến đạo đức nghề nghiệp và cả tính chuyên nghiệp cũng dễ dàng thẩm định. Chính vì thế, Than Quảng Ninh đã từ bỏ rất nhiều gương mặt có triển vọng để ký hợp đồng với 2 cầu thủ từng ăn cơm Việt Nam là Kizito (cựu cầu thủ của XMXT.SG) và Bernardo (của SHB.ĐN). Hay Sanna.KH lấy Uche (Than.QN), ĐT.LA ký với Diabate (XSKT.CT), XSKT.CT chiêu mộ Valentic (SHB.ĐN)….

Trong nỗ lực gia tăng bản sắc, nâng cao tính địa phương, các đội bóng tích cực triệu hồi những ngôi sao đang khoác áo các đội đối thủ. Lãnh đạo các đội bóng đều thấy rõ một điều, các cầu thủ con em của địa phương bao giờ cũng trách nhiệm hơn, máu lửa hơn với đội bóng quê hương so với những người “tới đây kiếm sống”. Các tân binh trở về thi đấu cho đội bóng quê hương cũng để lại những dấu ấn trong 2 vòng đấu đầu tiên tại Toyota V.League 2015. Chẳng hạn, ở trận ra quân, Thanh Hóa lội ngược dòng trước SHB.ĐN bằng 2 bàn thắng của những tân binh mới trở về quê hương là Đình Tùng và Sỹ Cường.

Cách làm mới đang phát huy hiệu quả, thậm chí khâu tuyển chọn tân binh của các đội đang đạt thành tích cao chưa từng thấy trong lịch sử giải chuyên nghiệp Việt Nam và quan trọng không kém là chi phí lại giảm đi đến cả vài chục lần. Đó cũng là dấu ấn đậm nét tại Toyota V.League 2015 sau 2 vòng đấu!

Indonesia học theo V.League

Mới đây, các CLB tham dự giải VĐQG Indonesia mùa bóng 2015 (khởi tranh cuối tháng 2 tới) đã nhất trí việc cắt giảm số lượng ngoại binh xuống chỉ còn 3 cầu thủ/đội, tức là ít hơn 1 người so với trước đây. Trong khi đó, giải hạng Nhất Indonesia cũng sẽ không có sự góp mặt của các ngoại binh kể từ mùa giải 2015 (giống như giải hạng Nhất của Việt Nam mùa này). Các quyết định kể trên đều xuất phát từ mong muốn của cả nền bóng đá Indonesia trong việc tạo thêm cơ hội thể hiện mình cho các cầu thủ trẻ bản địa.