Dấu ấn V.League ở các đội tuyển quốc gia

Sau những thành công liên tiếp của các đội tuyển U-23 và ĐTQG tại các đấu trường quốc tế trong năm 2018, bóng đá Việt Nam đã nhận được sự quan tâm nhiều hơn từ xã hội, trong đó có các đối tác tài trợ. Tuy nhiên ở cấp CLB – nền tảng tiên quyết để có được những đội tuyển mạnh - thì các nhà tổ chức vẫn phải vất vả trong công tác tìm kiếm các hợp đồng tài chính, tài trợ. Đóng góp của các sân chơi bóng đá chuyên nghiệp Việt Nam cho các đội tuyển quốc gia là vô cùng to lớn và rất đáng ghi nhận.

Đóng góp của sân chơi bóng đá chuyên nghiệp Việt Nam cho các đội tuyển quốc gia là vô cùng to lớn và đáng ghi nhận.

Thành công không tự nhiên đến
Năm 2016, đội tuyển U-19 Việt Nam khi ấy, dưới sự dẫn dắt của HLV Hoàng Anh Tuấn đã bất ngờ tạo chiến tích tại VCK châu Á, giành vé tham dự U-20 World Cup (2017). Giới mộ điệu bóng đá nước nhà như sôi lên, hầu hết đều ngỡ ngàng vì chưa bao giờ chúng ta có được một niềm vinh dự lớn lao như vậy. Không có gì để nghi ngờ rằng ngoài tài dụng binh của Ban huấn luyện, sự tạo điều kiện tốt trong quá trình của VFF, có đóng góp của các CLB, đặc biệt là những đội bóng đã mạnh dạn sử dụng các cầu thủ trẻ tại các đấu trường khốc liệt như V.League hay Hạng Nhất quốc gia. Những cầu thủ tốt nhất trong số ấy như Thủ môn Bùi Tiến Dũng, trung vệ Bùi Tiến Dũng, hậu vệ Trần Đình Trọng, Đoàn Văn Hậu, tiền vệ Nguyễn Quang Hải, tiền đạo Nguyễn Tiến Linh… đã tiếp tục tiến bộ trong 2 năm qua, rồi góp công trong thành phần của đội tuyển U-23 và đội tuyển quốc gia sau đó, đặc biệt là cùng những đàn anh của họ tạo nên những chiến công rực rỡ trong năm 2018.

Hoàn toàn không quá lời khi gọi đội tuyển Việt Nam đã vô địch AFF Suzuki Cup 2018 – đỉnh cao của những thành công dưới “triều đại” của HLV Park Hang Seo – là những cá nhân tiêu biểu nhất cho một “thế hệ vàng” mới, tràn đầy sức trẻ của bóng đá Việt Nam.
Ở tuổi 25, khi đeo tấm băng đội trưởng quốc gia, thì Quế Ngọc Hải đã xếp trong hàng ngũ những đội trưởng trẻ nhất trong lịch sử của đội tuyển. Trong khi ấy, nếu xem lại các lứa tuyển thủ trước đây, thì chúng ta thật khó có thể tìm ra một cá nhân nào xuất chúng cỡ Nguyễn Quang Hải – 21 tuổi – trên hàng tiền vệ, hay một Đoàn Văn Hậu – mới 19 tuổi ở vị trí hậu vệ cánh.

Trước đó 3-4 năm, bóng đá Việt Nam cũng từng nức lòng đón lứa tài năng những Nguyễn Công Phượng, Lương Xuân Trường, Nguyễn Tuấn Anh, Nguyễn Văn Toàn, Nguyễn Phong Hồng Duy, Vũ Văn Thanh… được đào tạo từ Học viện bóng đá HA.GL Arsenal JMG. Tuy nhiên, dù đều có tố chất kỹ thuật và tư duy chiến thuật tốt, nhưng lứa cầu thủ ấy lại rất thiếu “kinh nghiệm thực chiến”. Liên tục được góp mặt trong đội hình chính thi đấu tại V.League những năm qua, họ đã khác rất nhiều. Ví dụ Nguyễn Công Phượng đã không chỉ biết cầm bóng đột phá giữa nhiều cầu thủ đối phương mà còn có khả năng phối hợp, “làm bóng” và xử lý tình huống tốt hơn rất nhiều. Lối chơi của Phượng ngày càng hiện đại hơn, và anh đã trở nên lợi hại hơn rất nhiều không phải ở khả năng tự tạo cơ hội cho bản thân mình mà chính bởi đã biết tạo cơ hội tốt hơn cho các đồng đội!

Sự kiên nhẫn với lứa cầu thủ trẻ này (kèm theo đó là sự chấp nhận không đạt thành tích cao tại các kỳ V.League), cho họ cơ hội được va chạm, học hỏi, “bầm dập” để lớn lên, và rồi cuối cùng chỉ để đóng góp cho đội tuyển một vài “hạt giống” là điều rất đáng được ghi nhận ở Hoàng Anh Gia Lai.

Hà Nội FC cũng thế, rất mạnh dạn và tin tưởng vào những tài năng trẻ của mình trong những năm qua. Sự khác biệt so với HA.GL ở chỗ, đại biểu Thủ đô có cả những cầu thủ giỏi và dạn dày kinh nghiệm như Văn Quyết, Thành Lương cùng với những ngoại binh xuất sắc thi đấu cùng với các cầu thủ trẻ, nhờ vậy họ vừa đạt thành tích tốt tại V.League, vừa giúp các tài năng trẻ (lớp trước như Hùng Dũng, Đức Huy hay lớp kế sau như như Duy Mạnh, Quang Hải, Đình Trọng, Văn Hậu, Thành Chung, Văn Đại…) có sự tiến bộ rất nhanh.

Ngoài Hà Nội và HA.GL, nhiều CLB khác tuy không có đông tuyển thủ, nhưng cũng thường xuyên cung cấp tài năng trẻ chất lượng cho đội tuyển như Viettel (Bùi Tiến Dũng, Nguyễn Hoàng Đức, Nguyễn Đức Chiến), Bình Dương (Nguyễn Tiến Linh, Hồ Tấn Tài), SHB Đà Nẵng (Bùi Tiến Dụng, Hà Đức Chinh, Mai Đức Việt Anh, Phan Văn Biểu), Sông Lam Nghệ An (Phan Văn Đức, Phạm Xuân Mạnh, Hồ Khắc Ngọc)…

Và những hy vọng mới từ chính sân chơi quốc nội
Sau VCK Asian Cup vừa qua, những Lương Xuân Trường, Nguyễn Công Phượng hay Đặng Văn Lâm đã được ký hợp đồng bởi các CLB của Thái Lan và Hàn Quốc. Điều này có thể tốt cho họ khi được trải nghiệm ở môi trường thi đấu mới, nhưng cũng có thể ngược lại nếu các tuyển thủ của chúng ta không có được sự hòa nhập tốt, phù hợp với quan điểm chiến thuật của HLV cũng như cạnh tranh được vị trí thi đấu. Bài học của chính Xuân Trường hay Công Phượng trước đây là một ví dụ. Nếu Trường hay Phượng không kịp thời trở lại, thi đấu thường xuyên trong màu áo của HA.GL tại V.League thì chắc chắn họ đã không thể có được thành công thời gian qua!

Trường hợp của Nguyễn Quang Hải hay Đoàn Văn Hậu là một minh chứng khác cho việc một tài năng bóng đá trẻ Việt Nam hoàn toàn có thể thăng hoa, vươn lên đẳng cấp và “tầm châu lục” nếu được phát triển tại Việt Nam – với sân chơi như V.League, trong ở một môi trường tốt, phù hợp về chuyên môn, được thi đấu thường xuyên để phát huy năng lực và hoàn toàn không phải “nghĩ” về các vấn đề ngoài chuyên môn như CLB Hà Nội. Mới đây rộ lên thông tin về việc một CLB mạnh của Đức “để mắt” tới Văn Hậu, nhưng sẽ là vội vàng khi cho rằng sang trời Âu sẽ “ăn đứt” đá tại V.League nếu Hậu không cạnh tranh được suất đá chính thường xuyên tại sân chơi khắc nghiệt như Bundesliga. Luôn có hai mặt của một vấn đề…

Giải bóng đá vô địch quốc gia đã bước sang tuổi 39, và V.League cũng đã ở mùa giải thứ 19 trong tiến trình chuyên nghiệp hóa. Vẫn còn rất nhiều vấn đề cần hoàn thiện, trong đó có việc nâng cấp cơ sợ hạ tầng cũng như tính chuyên nghiệp ở các CLB, nhưng những biến chuyển tích cực trong công tác đào tạo trẻ, trẻ hóa lực lượng ở nhiều đội bóng là rất đáng ghi nhận. Đóng góp của các giải đấu thuộc hệ thống bóng đá chuyên nghiệp như V.League (1 và 2 – tức sân chơi Hạng Nhất)… trong thành công của các đội tuyển thời gian qua rất rõ ràng.

Tối nay (22/3), đội tuyển bóng đá U-23 xuất trận tại Vòng loại châu Á không chỉ với sứ mệnh giành vé tham dự đấu trường VCK U-23 châu Á tại Thái Lan vào năm sau mà cũng là bước khởi đầu cho hành trình hướng tới SEA Games 30, nơi đội tuyển U-22 đã được giao “chỉ tiêu vàng”.

Trong kế hoạch thi đấu hàng năm còn các hoạt động của đội tuyển quốc gia… Các nhà tổ chức thuộc hệ thống bóng đá chuyên nghiệp Việt Nam đã và đang tiếp tục phải sắp xếp, bố trí lịch thi đấu sao cho có thể tạo điều kiện tốt nhất có thể. Và chúng ta hãy cùng hy vọng từ nền tảng ấy, các đội tuyển bóng đá sẽ gặt hái được những thành công mới trong năm nay!