Mùa giải trước, V.League chỉ có 1 suất xuống hạng, cũng có nghĩa là giải hạng Nhất chỉ có 1 đội được thăng hạng. Sở dĩ trong một thời gian tương đối dài BTC giải phải hạn chế số đội lên, xuống hạng bởi bóng đá Việt Nam gặp nhiều khó khăn. Số đội V.League có thời điểm bị co lại còn 11 hoặc 12 CLB. Trong khi đó, mùa trước, giải hạng Nhất chỉ có 8 đội bóng tham dự. Tăng số suất xuống và lên hạng có thể khiến mùa giải thiếu sự ổn định, chất lượng không được đảm bảo.
Tuy nhiên, giờ đây V.League dần đi vào sự ổn định và hạng Nhất cũng có đông số đội tham dự hơn trước (10 đội), các nhà tổ chức phải thay đổi về thể thức nhằm đảm bảo sức hấp dẫn cho sân chơi, đồng thời loại bỏ những yếu tố có thể khiến tiêu cực nảy sinh. Vì thế, bộ phận chuyên môn của VPF đã có những điều chỉnh về cơ cấu suất thăng và xuống hạng. Theo đó, đội bóng đứng cuối bảng V.League sẽ phải xuống hạng trực tiếp và đội xếp thứ 13 sẽ phải tranh vé trụ hạng với một đại diện của hạng Nhất. Sự thay đổi quan trọng này đã được báo cáo và thông qua tại Hội nghị Ban chấp hành VFF cũng như Đại hội thường niên VFF năm 2015 vừa qua.
Ông Cao Văn Chóng, Tổng giám đốc VPF, cho biết: “Những thay đổi về cơ cấu lên, xuống hạng ở mùa giải 2016 nằm trong kế hoạch chuẩn bị cho mùa giải mới mà VPF đã báo cáo lên BCH và Đại hội thường niên VFF. Bên cạnh đó, VPF cũng gửi dự thảo điều lệ mùa giải 2016 đến các đội bóng để lấy ý kiến đóng góp. Có một số ý kiến đề nghị chỉ có 1 suất lên và xuống hạng. Tuy nhiên, sau khi tổng hợp các ý kiến đóng góp, tuyệt đại đa số các đội bóng ủng hộ phương án có 1,5 suất lên và xuống hạng mà Ban chấp hành VFF đã thông qua. Việc có trận play-off giữa đại diện V.League và hạng Nhất phù hợp với xu thế chung. Nó góp phần tạo ra sức hấp dẫn cho giải đấu, đồng thời, hạn chế việc các đội bóng vào sân với sự thiếu quyết tâm khi đã hoàn thành mục tiêu ở giai đoạn cuối mùa giải”.
Liên quan đến quy định mới về lên và xuống hạng, ông Nguyễn Quốc Hội – Chủ tịch CLB Hà Nội T&T, cho biết: “Tôi nghĩ, đây là sự thay đổi cần thiết. Các nhà tổ chức cần phải đặt mình trong lăng kính của các nhà tài trợ. Nhà tài trợ muốn có nhiều trận đấu kịch tính, hấp dẫn. Có thêm dù chỉ là nửa suất xuống hạng thì các đội bóng cũng phải nỗ lực để bảo vệ hình ảnh và có được sự an toàn”.
Trong khi đó, ông Nguyễn Giang Đông – Chủ tịch đội bóng tân binh của V.League là CLB Hà Nội, cho biết: “Mục tiêu thiết thực nhất với chúng tôi là trụ hạng! Ai cũng thấy, đội bóng Hà Nội còn yếu. Có thêm suất xuống hạng thì nguy cơ của chúng tôi lớn hơn. Nhưng CLB Hà Nội ủng hộ chủ trương, quy hoạch xây dựng giải đấu của VFF và VPF. Dù biết là khó khăn, nhưng chúng tôi chấp nhận, bởi biết điều đó sẽ tạo ra động lực cho sự phát triển. Tất cả các đội bóng phải vì cái chung, phải chiến đấu tốt giai đoạn cuối cùng khi có thêm nửa suất xuống hạng. Còn nếu vào sân mà không có động lực thi đấu, thiếu tích cực trong việc bảo vệ hình ảnh của cả giải đấu lẫn hình ảnh của chính CLB thì không nhà tài trợ nào chịu bỏ tiền đầu tư cho bóng đá”.
Đội bóng nào được đá play-off?
Đội bóng xếp thứ 13 V.League sẽ phải tham dự trận play-off với một đội hạng Nhất để tìm cơ hội trụ hạng. Trong khi đó, việc chọn đội thuộc giải hạng Nhất được dự trận play-off khá công phu. Đầu tiên, hai đội đứng thứ 3 và thứ 4 của giải sẽ phải thi đấu với nhau để chọn ra đội thắng tiếp tục đá loại trực tiếp với đội xếp thứ nhì. Đội thắng trong cuộc đấu cuối cùng của giải hạng Nhất này sẽ giành quyền đá trận play-off tranh suất dự V.League 2017 với đội xếp thứ 13 V.League 2016.