TGĐ Công ty VPF Cao Văn Chóng:
'Toyota V.League 2016 sẽ có nhiều đổi mới'

Chỉ còn 1 ngày nữa là Toyota V.League 2016 sẽ khởi tranh. Ngay trước thềm mùa giải mới, ông Cao Văn Chóng - Tổng giám đốc Công ty VPF (đơn vị tổ chức các giải bóng đá chuyên nghiệp của Việt Nam) đã trao đổi xung quanh công tác chuẩn bị của giải đấu.

“SẼ KHÔNG CLB NÀO GÃY GÁNH GIỮA ĐƯỜNG”!
– Phóng viên: Thưa ông, đến thời điểm này có lẽ công tác chuẩn bị cho mùa giải mới đều đã ổn thỏa?

Ông Cao Văn Chóng: Đúng như vậy! Tất cả những sự chuẩn bị cho mùa giải mới như điều lệ giải, cơ sở vật chất và lực lượng của các đội tham dự V.League đều đã hoàn tất. Mọi người chỉ chờ đến giờ bóng lăn.

– So với những mùa trước, liệu người hâm mộ có thể kỳ vọng vào những gì mới mẻ ở V.League năm nay, thưa ông?

– Toyota V.League 2016 có 3 điểm mới thấy rõ nhất. Đầu tiên là chúng tôi có sự hợp tác với Sportradar – công ty chuyên nghiên cứu, phân tích các dữ liệu thể thao và nội dung số cho các khách hàng trên toàn thế giới – nhằm thể hiện quyết tâm phòng ngừa, ngăn chặn những hành vi tiêu cực trong các giải đấu. Kế đến là việc đóng bảo hiểm cho các cầu thủ và đội ngũ giám sát và trọng tài điều hành để họ có thể yên tâm làm nhiệm vụ. Cuối cùng là bóng thi đấu.

Ở mùa giải năm nay, bóng sẽ do Grand Sport (Thái Lan) tài trợ. Ngoài những nét mới theo bề nổi dễ nhận thấy ở trên, lực lượng trọng tài thời gian qua cũng rất nỗ lực để có những chuyển biến về chất lượng chuyên môn. Bên cạnh đó, nhiều CLB tham dự cũng có những nét rất mới, đặc biệt là sự trẻ hóa cầu thủ. Thế nên, tôi tin Toyota V.League 2016 sẽ có những đổi mới đáng kể theo hướng tích cực, nhằm phục vụ người hâm mộ tốt hơn và giúp cho bóng đá nước nhà phát triển mạnh mẽ.

– Kinh phí hoạt động mỗi mùa giải luôn là mối lo của các CLB. Theo ông, liệu năm nay có đội bóng nào sẽ lâm vào tình cảnh “gãy gánh giữa đàng” vì hết tiền không?

– Thực sự thì kinh phí luôn là nỗi lo của nhiều CLB tham dự V.League và cũng là mối lo của chính những nhà tổ chức. Tuy nhiên, sau khi tham khảo và tìm hiểu ở 14 CLB tham dự V-League 2016, hầu hết các đội đều có những hướng tháo gỡ khá ổn thỏa, nên tôi tin chắc sẽ không có đội bóng nào nửa đường đứt gánh.

Bên cạnh đó, sau những chuyến nghiên cứu bóng đá ở các nước trong khu vực và châu lục, những đội bóng ở ta cũng bắt đầu xây dựng mô hình hoạt động bài bản, chỉn chu theo hướng chuyên nghiệp hơn, đồng thời hướng đến các hoạt động mang tính cộng đồng để từ đó thu hút khán giả nhiều hơn.

HỖ TRỢ GẦN 1 TRIỆU USD CHO CÁC ĐỘI THAM DỰ
– Bên cạnh nguồn kinh phí hoạt động của chính các CLB, đơn vị tổ chức VPF có hỗ trợ gì cho họ không, thưa ông?

– Có, hằng năm VPF đều có phân bổ một khoản tiền xấp xỉ 1 triệu USD (tương đương 22 tỷ đồng) cho các CLB. Số tiền hỗ trợ nhiều hay ít tùy theo thứ hạng thành tích của đội bóng, công tác tổ chức trận đấu của CLB ấy và nhiều tiêu chí khác nữa. Khoản tiền phân bổ này là doanh thu từ rất nhiều nguồn, trong đó một phần từ bản quyền truyền hình, sau khi đã trừ đi chi phí tổ chức, chi phí giải thưởng và các chi phí liên quan khác…

– Nhân nói về truyền hình, ông có thể cho biết năm nay có bao nhiêu đài truyền hình trực tiếp các trận đấu của V.League?

– Năm nay, ngoài 2 đài truyền hình chính là VTV và VTC cùng các đài truyền hình địa phương, chúng tôi còn nhận được sự quan tâm của các kênh truyền hình khác như VTV cab, Let’s Việt…

– Lần đầu tiên nắm vai trò Tổng giám đốc VPF và điều hành những giải đấu lớn của quốc gia, ông có cảm thấy khó khăn hay áp lực không?

– Thực tế, lúc mới nhận nhiệm vụ tôi cảm thấy lo và áp lực nhiều lắm, bởi công việc ở đây khác và nặng hơn nhiều so với lúc còn làm ở đội bóng Becamex Bình Dương. Tuy nhiên, nhờ sự hỗ trợ của các đồng nghiệp đi trước, sự ủng hộ của các cấp lãnh đạo, đặc biệt là từ VFF, cùng với giới truyền thông nên tất cả đều ổn thỏa và nằm trong tầm kiểm soát.

Tôi nghĩ trong công việc khi tất cả cùng hướng về mục tiêu là sự phát triển của bóng đá nước nhà, lúc ấy sẽ rất dễ tìm được tiếng nói chung.

– Nhìn vào V.League, liệu có điều gì vẫn còn khiến ông trăn trở?

– Điều tôi trăn trở có lẽ cũng giống như tất cả những ai yêu bóng đá Việt Nam. Nghĩa là muốn giải đấu của ta ngày càng chuyên nghiệp và rút ngắn khoảng cách với các nước có nền bóng đá mạnh của châu Á, trước mắt là với người láng giềng Thái Lan. Theo tôi, tất cả những người làm bóng đá nước nhà đều đang nỗ lực vì điều ấy.

Thu tiền bản quyền truyền hình từ 15 phút quảng cáo
Cũng theo ông Cao Văn Chóng, tiền bản quyền truyền hình của V.League không thu trực tiếp từ các đài truyền hình, nhưng sẽ thu từ 15 phút quảng cáo của các đơn vị tài trợ và tham gia quảng cáo ở trước, giữa và sau trận đấu được tuyền hình trực tiếp.

Tại sao lại sử dụng bóng Grand Sport?
Chủ trương của BTC là luôn ưu tiên sử dụng hàng nội địa. Tuy nhiên, do không tìm được tiếng nói chung với Động Lực – đơn vị cung cấp bóng thi đấu cho các giải đấu ở Việt Nam lâu nay, những nhà tổ chức buộc phải chuyển sang dùng bóng của hãng Grand Sport tại Toyota V.League 2016.