Thị trường chuyển nhượng V.League:
Đỏ mắt tìm ngoại binh

V.League đã thực hiện chính sách hạn chế ngoại binh. Ấy vậy mà, tìm đủ hai cầu thủ ngoại lúc này thật chẳng hề đơn giản dù nguồn cung vô cùng dồi dào. Các đội bóng đối diện với quá nhiều rủi ro trong quá trình thử và thương thảo hợp đồng với cầu thủ ngoại.

ĐÔNG NHƯNG KHÔNG TINH
Quá trình tuyển chọn ngoại binh cho mùa giải mới 2016 đã được kích hoạt từ gần 2 tháng qua. Thế nhưng, điểm qua một loạt đội bóng từ Bắc chí Nam thì hầu hết đều chưa có đủ cơ số cầu thủ ngoại dù ngày khai mạc đã cận kề. Đáng nói, các đội bóng đã rất tích cực trong việc tìm kiếm nguồn cung và tiến hành thử việc. Hà Nội, FLC Thanh Hóa… đã thử việc đến cả chục cầu thủ nhưng đến nay chỉ nhận về nỗi thất vọng.

Các đội bóng luôn đòi hỏi đối tác phải trình những bộ hồ sơ cầu thủ hoành tráng cùng những clip hình ảnh thi đấu trước khi mời sang thử việc. Thế nhưng, ngay cả khi đón “hàng khủng” như trường hợp của Loris Arnaud – tài năng trẻ một thời của CLB Paris Saint Germain thì cuối cùng, Hà Nội T&T vẫn phải lắc đầu và buộc phải quay lại giữ chân người cũ là tiền vệ Victor.

“ĐÁNH BẠC” VỚI NHÀ MÔI GIỚI
Có thể cảm nhận được sự sốt ruột của các đội bóng trong quá trình tìm kiếm ngoại binh. Họ thất vọng khi phải tốn thời gian làm visa, đón tiếp, thử việc và chi phí ăn ở cho các ngoại binh vốn không thật sự chất lượng dù trước đó đã nhận được những lời đảm bảo có cánh từ các nhà môi giới. Thế nhưng có vẻ như các nhà môi giới đã đánh giá sai về tiêu chí tuyển chọn ngoại binh của V.League nên chỉ mang sang những cầu thủ nghiệp dư và chính họ cũng phải nếm trái đắng khi tiêu tốn quá nhiều tiền bạc cho việc mua vé máy bay sang Việt Nam.

Hiện tại, các đội bóng đang rất tích cực thi đấu giao hữu nhằm có cơ hội thử ngoại binh. Thậm chí, FLC Thanh Hóa còn chấp nhận chơi đẹp khi bao toàn bộ các đội bóng dự FLC Cup chỉ để tìm ra được một suất ngoại binh còn lại. Thế nhưng, sự thành bại của các đội bóng vẫn phụ thuộc vào “đợt hàng” cuối cùng của các nhà môi giới vốn sẽ đổ bộ sang Việt Nam sau ngày nghỉ Tết dương lịch.

Thậm chí, có thông tin cho rằng, các nhà môi giới lọc lõi đang cố tình tạo cơn sốt cầu thủ chất lượng và chỉ “nhả hàng” trước khi giải đấu diễn ra nhằm tránh việc bị các đội bóng ép giá, hoặc có cơ hội tìm kiếm nguồn hàng khác nếu việc thương thảo đổ vỡ.

Jernej Kamensek, người đại diện của tiền đạo Omar đang khoác áo FLC Thanh Hóa cho biết: “Tôi và nhiều nhà đại diện khác chỉ mang cầu thủ sang Việt Nam sau Tết dương lịch. Đó là thời điểm quyết định cho việc thử và thương thảo ký hợp đồng. Nếu sớm hơn, mọi việc sẽ bất lợi cho chúng tôi”.

Các nhà môi giới thì quá hiểu đặc tính và cả những phức tạp của V.League. Thế nhưng, cứ chờ đợi “nguồn hàng” của họ trong khắc khoải thì có thể, chính các đội bóng sẽ thiệt thòi khi phải ký hợp đồng đắt và quan trọng hơn là cầu thủ chất lượng không cao nhưng chẳng có cơ hội để thay đổi.

Khó như mua “sao” ở V.League
Nhiều đội bóng chọn giải pháp an toàn là mua những cầu thủ đã thành danh ở V.League. Nhưng để có được các cầu thủ này chẳng hề đơn giản. QNK.QN từng chấp nhận phá lệ khi trả Vua phá lưới Patiyo (ảnh) hơn 100 ngàn USD lót tay nhưng anh này nhanh chân đến XSKT.CT nơi chấp nhận trả anh 150.000 USD. Khi một đội bóng phía Bắc đánh tiếng muốn có Patiyo thì cái giá được đưa ra là 170.000 USD. Cuối cùng, XSKT.CT phải chấp nhận thêm những điều khoản có lợi về thanh toán cho Patiyo để có được bản hợp đồng 1 năm với ngoại binh này.