Đâu là cặp sát thủ ngoại số 1 Toyota V.League?

Mùa này, do chỉ được phép sử dụng 2 ngoại binh trên sân nên 2/3 số đội ở Toyota V.League đều sắm cặp tiền đạo toàn ngoại. Mặc dù vậy nhưng không phải ai cũng có thể xoa tay mãn nguyện với “họng pháo hai nòng” của đội nhà.

NHỮNG BỘ ĐÔI ĐANG GÂY THẤT VỌNG
Ngoại trừ hai đội dự AFC Champions League là HN.T&T và B.BD được đăng ký 4 cầu thủ ngoại, các đội còn lại chỉ được quyền đăng ký tối đa 2 ngoại binh. Vì thế, nhiều CLB đã ưu tiên cả hai suất này cho vị trí tiền đạo. Theo thống kê thì có đến 9/14 đội ở V.League sử dụng hai chân sút ngoại.

Khi ưu tiên cả hai cho hàng công, các đội bóng đều kỳ vọng bộ đôi “lính đánh thuê” đó sẽ tạo thành cặp “sát thủ” đáng gờm. Nhưng cho đến thời điểm này, không phải HLV nào cũng hài lòng với bộ đôi tiền đạo ngoại mình đang sở hữu.

Năm ngoái, bộ đôi Suleiman – Patiyo của QNK.QN đã trở thành nỗi ám ảnh đối với nhiều hàng thủ. Nhưng khi Patiyo đến đầu quân cho XSKT.CT thì Suleiman đã mất đi đối tác ăn ý. Bởi nhiều lý do khác nhau như chuyên môn, sự hòa nhập… nên tân binh Felix đã chưa tìm được tiếng nói chung với Suleiman trên hàng công của đội bóng xứ Quảng.

Xuôi về miền Tây, Patiyo cũng đang tìm cách để có được sự gắn kết với Oseni trên hàng công của XSKT Cần Thơ. Ghi được tổng cộng 3 bàn sau 4 vòng Toyota V.League 2016 không phải là con số đáng thất vọng, nhưng nó cũng chưa phải ấn tượng đối với cặp tiền đạo rất được kỳ vọng này.

Ở phía Bắc, bộ đôi “sát thủ” ngoại của HN.T&T (Gonzalo và Samson) hay Than.QN (Bisan và Dyachenko) cũng đang rất nhạt nhòa và chưa có đóng góp như mong đợi. Trong khi đó, trình độ chuyên môn chỉ ở mức trung bình khá, nên bộ đôi Samson và Simic của Đồng Tháp cũng chưa cho thấy sự tiến bộ nào đáng kể. Việc mới chỉ gắn bó với nhau 2 trận cũng là một trở ngại khác, khiến bộ đôi này chưa thể khởi sắc trong khâu ghi bàn.   

OMAR – FIRER LÀ SỐ 1

Nhưng không phải tất cả các bộ đôi tiền đạo ở V-League đều gây thất vọng. Trái lại, vẫn có những HLV có thể xoa tay mãn nguyện với những “lính đánh thuê” của đội nhà.

Đầu tiên phải kể đến Hải Phòng. Hai tiền đạo Fagan và Stevens tiếp tục thể hiện phong độ cực kỳ ấn tượng như ở V-League 2015. Đã gắn bó với nhau 1 năm, nên khả năng phối hợp, đọc ý đồ của nhau giữa 2 tiền đạo này ngày càng tinh tế và ăn ý hơn. 4 bàn thắng sau 2 trận đấu là kết quả không tồi đối với Fagan và Stevens. Quan trọng hơn, khả năng di chuyển rộng để kéo giãn hàng thủ đối phương nhằm tạo cơ hội cho các nội binh ghi bàn là một điểm mạnh khác của cặp “sát thủ” này.

Nhưng đáng gờm nhất sau 4 vòng đấu phải là cặp tiền đạo Omar và Firer của FLC Thanh Hóa. Phải thừa nhận rằng, họ chưa thực sự ăn ý với nhau trên hàng công khi những pha phối hợp làm chao đảo cầu môn đối phương từ những pha chuyền bóng giữa hai ngoại binh này là chưa nhiều. Nhưng khả năng “độc lập tác chiến” của Omar và Firer là rất đáng nể.

Trong đó, Firer là tân binh có chất lượng chuyên môn tốt nhất trong số các ngoại binh mới ở V.League 2016. Đây là mẫu tiền đạo toàn diện khi có thể dứt điểm trong mọi tư thế, bằng cả chân lẫn đầu. Sau 3 trận, Omar và Firer đã ghi được tổng cộng 7 bàn, một hiệu suất rất cao. Chính việc sở hữu bộ đôi ngoại binh giỏi là một trong những lý do khiến FLC Thanh Hóa được đánh giá là ứng cử viên nặng ký nhất cho chức vô địch mùa này.

Nỗi lo của HLV Phan Thanh Hùng
Mới tiếp quản chiếc ghế HLV trưởng từ đồng nghiệp trẻ Phạm Như Thuần, ông Phan Thanh Hùng đang đối diện với rất nhiều bài toán. Trong đó, có bài toán liên quan đến cặp tiền đạo. Tiền đạo Dyachenko chưa đáp ứng được kì vọng dù đã ghi bàn thắng trong trận đấu với Hà Nội T&T. Trong khi đó, tiền đạo vốn nhận được nhiều kỳ vọng là Bisan lại dính chấn thương và phải nghỉ 1 tháng khiến ông Hùng gặp nhiều khó khăn trong việc xây dựng lối chơi.