Kế hoạch treo giày của Công Vinh

Trong một lần trả lời phỏng vấn, tuyển thủ Công Vinh nói rằng 3 năm nữa anh sẽ giải nghệ ỏ tuổi 32 và đấy là điều anh đã xác định từ lâu…

Nhiều người nghe điều đấy và tiếc cho Công Vinh vì là một cầu thủ biết giữ sức khỏe, giữ hình ảnh cho mình thì tuổi 32 chưa phải là già. Cá nhân tôi không cho rằng đó là quyết định nông nổi kiểu hờn dỗi vì một khi Vinh đặt cho mình điểm dừng hẳn phải là có lý do chính đáng.

Có người hỏi rằng có phải Công Vinh bây giờ chán bóng đá, hay vì Vinh đã có tất cả nên không còn động lực nữa?

Với Vinh, khi đã đặt ra cho mình điểm dừng thì hẳn là Vinh đã tính toán rất cẩn thận. Nhất là ở Việt Nam, không phải cầu thủ nào cũng dám đặt ra điểm dừng cho mình như thế, nhất là còn đá là còn có cơ hội kiếm tiền và cầu thủ như Vinh, tuổi 32 vẫn còn có thể làm 1-2 cú chuyển nhượng tiền tỷ với mức lương vài chục triệu một tháng.

Nhiều cầu thủ khi trò chuyện với tôi vẫn hay than rằng nếu dừng đá bóng thì không biết làm gì ngoài đá bóng. Đã có nhiều tấm gương trước mắt của những cầu thủ đàn anh khi nghỉ đá bóng may ra thì còn được làm HLV, làm trợ lý, hay có một suất theo một đội bóng. Nhiều cầu thủ buông nghiệp quần đùi áo số ra là thất nghiệp và phải bươn chải với cuộc sống khó khăn mà cuộc đời đá bóng được cũng có nhưng lấy của họ cũng không ít.

Công Vinh chia sẻ chuyện của ba năm tới đó là anh cần thời gian cho gia đình, cho cô vợ làm ca sĩ và cho con cái mà đời cầu thủ anh đã phải hy sinh nhiều. Vì thế mà anh không muốn gắn bó nhiều với bóng đá nữa để có quỹ thời gian cần thiết.

Từng trao đổi với cựu tuyển thủ Hồ Thanh Cang và nghe ông chia sẻ về thế hệ cầu thủ bây giờ: “Ngày nay cầu thủ được nhiều ưu ái, nhiều thuận lợi trong phát triển nghề nghiệp, nhưng cũng nhiều cám dỗ, sa ngã mà bản thân người cầu thủ nếu không được trang bị vốn sống tốt thì sẽ rất nguy hiểm. Thời chúng tôi các cầu thủ tự tập và thấy mình yếu gì thì lén tập thêm. Đó là lý do vì sao tôi nổi tiếng cứ đêm xuống là tìm chỗ nhảy dây để tập bổ trợ đến độ bị HLV phát hiện và cấm tập để dành thời gian ngủ cho đủ giấc. Cầu thủ bây giờ ít trang bị cho mình vốn sống và cũng ít biết điểm dừng cả trong nghề nghiệp lẫn dừng với những thú vui vật chất…”.

Qua chia sẻ trên lại thấy nếu Công Vinh xác định đúng điểm dừng của mình thì thật đáng khen. Hơn nữa hình như bản thân Công Vinh cũng xác định được chỗ đứng của mình và sau 10 năm chính thức kể từ khi khoác áo chuyên nghiệp, Vinh cũng đã nhận ra sự khắc nghiệt của tuổi tác.

Dừng sớm không phải là trốn chạy mà là một cách giữ hình ảnh cho mình khi cảm thấy không còn cống hiến được nhiều nữa.