Lý do không được sử dụng thiết bị điện tử ở khu kỹ thuật.

Bắt đầu tại giai đoạn II các Giải BĐCN QG 2017, tất cả các thành viên làm nhiệm vụ tại khu vực kỹ thuật không được phép sử dụng các thiết bị điện tử, phương tiện truyền thông trong suốt thời gian diễn ra trận đấu.

Đây là nội dung được sửa đổi, bổ sung tại Luật IV – Luật bóng đá 2016-2017 của IFAB, đã được Công ty VPF và các CLB thống nhất áp dụng tại hệ thống các Giải BĐCN QG 2017 từ giai đoạn II, nhằm thống nhất tuân thủ các quy định của Luật bóng đá hiện hành, đồng thời tăng cường đảm bảo sự công bằng, khách quan cho các trận đấu tại các giải BĐCN.

Theo đó, “Tất cả các thành viên làm nhiệm vụ trong khu vực kỹ thuật không được phép sử dụng bất kỳ thiết bị liên lạc điện tử, phương tiện truyền thông nào tại khu vực kỹ thuật trong suốt thời gian diễn ra trận đấu”. Và “Việc sử dụng các thiết bị điện tử, truyền thông tại khu vực kỹ thuật chỉ được phép trong những trường hợp liên quan đến sự an toàn của cầu thủ, của các thành viên liên quan hoặc trong những trường hợp khẩn cấp khác”.

Trọng tài thứ 4 là người có trách nhiệm giám sát, nhắc nhở các thành viên của các đội bóng. Nếu tái phạm sau khi đã nhắc nhở, trọng tài thứ 4 có nhiệm vụ báo cáo với trọng tài chính để mời thành viên vi phạm rời khỏi khu kỹ thuật và thông báo với giám sát trận đấu để giám sát cáo báo với BTC xử lý trường hợp vi phạm.

Nói rõ hơn về việc cấm trên, TGĐ VPF Cao Văn Chóng giải thích: “Đó là theo quy định chung của FIFA và AFC. Mục đích của việc cấm là để 2 đội tập trung vào thi đấu, phục vụ NHM tốt nhất, không bị phân tâm bởi các vấn đề khác ngoài chuyên môn. Quy định như thế cũng nhằm góp phần hạn chế tiêu cực, trong thời gian thi đấu.  Cầu thủ, BHL và quan chức tại khu kỹ thuật không nên nhận và chuyển thông tin đến bất cứ ai ở bên ngoài”.

Ngoài ra, quy định ấy còn xuất phát từ thực tế đã xảy ra một số phản ứng nhất thời của các đội khi xem lại các tình huống chiếu chậm được trực tiếp qua internet. “Việc cấm ấy cũng để tránh phản ứng nhất thời đối với các tình huống đang diễn ra trong sân. Chẳng hạn, có thành viên tại khu kỹ thuật dùng smartphone xem lại các pha chiếu chậm đang phát trực tiếp trên internet. Nếu có tình huống bất lợi cho CLB của mình sẽ dễ dẫn đến mất bình tĩnh và phát sinh các phản ứng không chuyên nghiệp”, ông Cao Văn Chóng bổ sung thêm.

Quy định trên cũng đã được VPF đưa ra thảo luận và biểu quyết tại Hội nghi sơ kết các giải bóng đá chuyên nghiệp 2017 vừa qua tại TP.HCM. Bày tỏ quan điểm về “lệnh cấm” trên, Giám đốc điều hành CLB Quảng Nam Nguyễn Húp cho biết: “Tôi hoàn toàn nhất trí với quy định trên. Không chỉ để hạn chế tiêu cực, tránh phản ứng không hay… việc cấm sử dụng các thiết bị điện tử, thiết bị truyền thông cũng nhằm làm đẹp khu kỹ thuật, thể hiện nét văn hóa khi đang làm nhiệm vụ trước ống kính truyền hình, khán giả. Các đội bóng đã biểu quyết đồng thuận 100%”. 

Quy định trên đã bắt đầu được áp dụng từ lượt đi tứ kết cúp Quốc gia Sứ Thiên Thanh 2017 vào ngày 16/6 vừa qua.